MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thách thức mang tên AEC và những nỗ lực của Việt Nam

Mục tiêu hướng đến của AEC là thành lập một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất trong khu vực ASEAN; một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao; một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

AEC – Một thị trường và cơ sở sản xuất đồng nhất

Trải qua gần 47 năm xây dựng và phát triển, ASEAN đã trở thành một trong những tổ chức khu vực năng động hàng đầu thế giới. Trong đó, việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 được xem là bước ngoặt quan trọng của các quốc gia ASEAN.

Việc hiện thực hóa AEC sẽ đem lại thuận lợi và cơ hội tích cực cho các nước thành viên. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều thách thức, thậm chí nguy cơ đe dọa tụt hậu trong quá trình liên kết, hội nhập và phát triển.

Mục tiêu hướng đến của AEC là thành lập một thị trường và cơ sở sản xuất duy nhất trong khu vực ASEAN; một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao; một khu vực phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam đang hết sức nỗ lực

Để tham gia và hiện thực hóa AEC là một nỗ lực rất lớn của các quốc gia thành viên nói chung và Việt Nam nói riêng.

Thứ nhất, về quyết tâm chính trị, ý chí và nỗ lực của Việt Nam. Đây là vấn đề được cho là quan trọng nhất để đánh dấu sự thành công hay thất bại của Việt Nam, cũng như chính AEC. Điều này thể hiện các hoạt động của Việt Nam trong ASEAN như tổ chức Hội nghị Bộ trưởng tài chính ASEAN, hội nghị các quan chức chuyên môn cao … đến việc thực thi và ký kết các hiệp định về kinh tế của ASEAN.

Tuy nhiên những trở ngại lớn mà hiện nay Việt Nam cần phải vượt qua bao gồm: đồng thuận với các thành viên trong việc đưa ra các kế hoạch, các biện pháp thực hiện; chủ nghĩa bảo hộ còn khá mạnh và níu kéo còn khá lớn trong khu vực, thu hẹp chênh lệch phát triển và cải cách thể chế điều tiết khu vực.

Thứ hai, về tiềm lực quốc gia. Việt Nam có nhiều thế mạnh để phát triển và hội nhập khu vực, thế giới. Là đất nước đông dân (hơn 90 triệu người), có nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng, tiềm năng cần phải được khai thác và sử dụng.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực của Việt Nam chất lượng vẫn còn thấp và chưa hiệu quả. Điều này làm lãng phí và thất thoát nguồn nhân lực của Việt Nam so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, tài nguyên thiên nhiên (năng lượng, du lịch, biển đảo …) là ưu thế lớn của Việt Nam nhưng còn nhiều bất cập.

Thứ ba, về năng lực cạnh tranh, trình độ phát triển kinh tế và tăng trưởng. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới WEF, năm 2014-2015, năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam đã tăng lên 2 bậc so với năm 2013. Việc tăng hạng này chủ yếu nhờ những cải thiện của Việt Nam về môi trường kinh tế vĩ mô, lạm phát trở về mức 1 con số trong năm 2012; chất lượng cơ sở hạ tầng, giao thông được cải thiện; hiệu quả thị trường hàng hóa được nâng cao nhờ giảm các rào cản thương mại và thuế quan.

Xét về tốc độ tăng trưởng kinh tế, khu vực ASEAN nói chung có mức độ tăng trưởng khá cao so với các khu vực khác trên thế giới, năm 2010 là 7,8%; đến năm 2012 đạt bình quân là 5,2%. Trong đó, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, từ 5,3% (năm 2009) lên 6,78% năm 2010; năm 2012 lại giảm xuống 5,03%; năm 2013 khoảng 5,42% và dự kiến năm 2014 là 5,8%.

Bên cạnh đó, vấn đề lạm phát, nợ nần, thất nghiệp, thâm hụt thương mại cũng khá quan trọng trong khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng. So với các nước trong khu vực, Việt Nam có mức lạm phát lớn nhất từ 7,5% năm 2006 lên 9,2% năm 2010; trong khi đó mức trung bình của ASEAN là 4%. 

Năm 20111, lạm phát của Việt Nam tăng vọt lên 18,13%; cao nhất trong ASEAN. Sau đó lạm phát giảm xuống mức 1 con số là 6,81% năm 2012; 6,04% năm 2013; xếp thứ ba trong khu vực. Lạm phát của Việt Nam giảm trong khoảng 3 năm trở lại đây là nhờ chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ.

Mặc dù có nhiều cố gắng và nỗ lực trong thời gian qua, song nhìn chung, để hiện thực hóa AEC, Việt Nam cần đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa, rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cần tận dụng tốt thành tựu khoa học công nghệ của các nước tiên tiến; tăng cường liên kết khu vực nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển…

>>>AEC: Cánh cửa mới cho nền kinh tế Việt Nam cất cánh?

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên