Thái Lan đầu tư hơn 6,6 tỷ USD vào Việt Nam
Tính từ thời điểm năm 1988 đến nay Thái Lan đã đầu tư 6,63 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi đó Việt Nam chỉ đầu tư khoảng 9 triệu USD sang Thái Lan.
Hàng trăm doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp tại hội thảo Cơ hội Kinh doanh và Gặp gỡ Doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan diễn ra ngày 25/10. Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam- Thái Lan.
Phát biểu tại hội thảo ông Đặng Xuân Quang, Cục phó Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ với những biến động của chính trường Thái Lan trong thời gian qua.
“Chúng tôi rất vui mừng trong quý 3 nền kinh tế Thái lan bắt đầu phục hồi, sau mức tăng trưởng âm trong quý 1, quý 2. Vừa rồi, Chính phủ thái lan vừa thông qua gói kích thích kinh tế nhằm phục hồi nền kinh tế Thái Lan trị giá 11 tỷ USD. Chúng tôi rất hi vọng việc này sẽ đem lại hiệu quả cho nền kinh tế Thái Lan. Điều đó có ý nghĩa quan trọng giữa quan hệ thương mại giữa Việt Nam – Thái Lan. Nếu các bạn phục hồi, phát triển tốt thì quan hệ hai nước sẽ tốt đẹp hơn”, ông Đào Xuân Quang nói.
Tiếp đó, ông Quang nêu, trong 9 tháng đầu năm 2014 tình hình kinh tế xã hội của Việt Nam có chuyển biến rất tích cực. Tăng trưởng GDP đạt 5,8%. Đây là một thành công rất lớn của chính phủ Việt Nam trong điều hành kinh tế trong giai đoạn đầy khó khăn này.
Sở dĩ đạt được sự thành công đó là do Việt Nam đảm bảo được ổn định kinh tế vĩ mô. Thời gian tới Việt Nam tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, tập trung 3 lĩnh vực chủ chốt: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng thương mại.
Về tình hình FDI, 1988 đến nay Việt Nam có 16.910 dự án có hiệu lực, với tổng vốn 243 tỷ USD. Hằng năm, nguồn vốn trực tiếp triển khai vào VN từ 10,5-11 tỷ USD
Trong 8 tháng đầu năm 2014 mặc dù tình hình còn nhiều khó khăn nhưng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam đã duy trì, khôi phục được đà tăng trưởng. Trong 9 tháng đầu năm thu hút được 992 dự án mới, với vốn hơn 11 tỷ USD.
Trong số 10 quốc gia FDI lớn nhất Việt Nam, Thái Lan đứng trong top 10 quốc gia này. Nhật Bản dẫn đầu với 36 tỷ USD, Hàn Quốc 33,4 tỷ USD, Singapore 31 tỷ USD, Thái Lan 6,63 tỷ USD. Cơ cấu ngành tròng đầu tư FDI: công nghiệp chế biến, chế tạo lớn nhất chiếm 54% vốn đăng kí, dịch vụ bất động sản chiếm 21%, còn lại là các lĩnh vực khác… Các địa phương thu hút FDI nhiều nhất lần lượt là: TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh,…
Về quan hệ đầu tư Việt Nam- Thái Lan, ông Quang cho hay, Thái lan là một trong những nền kinh tế lớn đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 29 ở thế giới. Hai nước đã có quá trình hợp tác lâu dài, thiết lập quan hệ ngoại giao từ 1976 và tiếp tục phát triển tốt đẹp từ đó đến nay. Điều này thể hiện sinh động qua các cuộc viếng thăm của lãnh đạo cao cấp 2 nước. Thái Lan là một trong những nước nước khuyến khích bảo hộ đầu tư ở Việt Nam từ năm 1991.
Chính phủ hai bên có nhiều cơ chế đối thoại, hợp tác tham vấn, thương mại và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai bên.
“Cho đến nay, Thái Lan có 365 dự án với tổng số vốn lên tới 6,63 tỷ USD. Trong khi đó Việt Nam có 8 dự án đầu tư sang Thái Lan với số vốn đầu tư hơn 9 triệu USD. Như vậy tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn”, ông Quang nhận định.
Theo đó, xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư Thái Lan rất phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong đó, 84% đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo.
Đầu tư phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của Việt Nam. Địa bàn đầu tư của Thái Lan: Bà Rịa-Vũng Tàu với số vốn 3,7 tỷ USD, TPHCM, Đồng Nai, Hà Nội…chủ yếu ở phía Nam và Bắc chưa có ở Miền Trung và Tây Nguyên.
Nói về yếu tố thu hút FDI, ông Đào Xuân Quang cho rằng, yếu tố ổn định chính trị kinh tế- xã hội suốt 20 năm qua ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ở Việt Nam có 2 chính sách quan trọng liên quan đến ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư.
Về chính sách ưu đãi sử dụng 3 công cụ chính: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, chi phí thuê đất. Tùy theo lĩnh vực, doanh nghiệp nước ngoài sẽ được miễn thuế 4 năm, giảm 50% mức thuế trong vòng 9 năm tiếp theo.
Ông Quang cho rằng, Việt Nam có 4 lĩnh vực mong muốn được các nhà đầu tư Thái Lan chú ý.
1. Khuyến khích liên quan đến kết cấu hạ tầng, xây dựng cơ sở hạ tầng.
2. Phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.
3. Phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam: Thái Lan rất có thế mạnh trong công nghiệp phụ trợ, nên có thể giúp đỡ, phát triển công nghiệp hỗ trợ giúp Việt Nam
4. Nông nghiệp,công nghiệp chế biến: Thái Lan thế mạnh về nông nghiệp, trong khi đó đầu tư cho nông nghiệp chiếm 7%, đây là lĩnh vực có nhiều triển vọng để tăng cường hợp tác.
Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam-Thái Lan đã có cuộc gặp gỡ trực tiếp trao về các lĩnh vực mong muốn hợp tác đầu tự. Đa phần các doanh nghiệp Việt muốn hợp tác với doanh nghiệp Thái Lan về công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế tạo, chế biến…
Anh Thanh, đại diện một hãng rượu lớn tại tỉnh Hòa Bình cho biết rất muốn hợp tác với các nhà đầu tư Thái Lan trong việc thu hút vốn xây dựng nhà máy, phát triển thương hiệu và mở rộng thị trường.
Ông Phạm Chí Nhu, Giám đốc Kinh doanh Công ty Viettonkin cũng bày tỏ mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp Thái Lan trong việc thu hút vốn đầu tư, công nghệ, đầu tư cơ sở hạ tầng…
Đại diện ngân hàng Bangkok Bank cũng bày tỏ sẽ hỗ trợ tốt nhất về vốn, lãi suất, chuyển đổi ngoại tệ cho các doanh nghiệp Việt, doanh nghiệp Thái Lan...
>>>Doanh nghiệp nhà nước, FDI được ưu đãi quá nhiều?
Hướng Dương