MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút 5 tỷ USD vốn FDI

Đến hết tháng 10/2013, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm của Thái Nguyên là 3,408 tỷ USD

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2013, Thái Nguyên là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,408 tỷ USD, chiếm 17,7% vốn đăng ký của cả nước. Đáng chú ý là trong bối cảnh thu hút FDI chung của cả nước còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Thái Nguyên đã bứt phá và trở thành điểm sáng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Dương Ngọc Long cho biết mục tiêu hút vốn FDI tỉnh đặt ra cho cả năm 2013 là 5 tỷ USD.

Chúng tôi phỏng vấn ông Dương Ngọc Long, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về bí quyết để đạt kết quả trên.

Bí quyết “3 thân thiện”

PV: Thưa ông, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào tỉnh Thái Nguyên trong thời gian 10 tháng năm nay tăng rất mạnh. Kết quả đó có được dựa trên những cơ sở nào, thưa ông?

Ông Dương Ngọc Long: Trong 9 tháng đầu năm, đặc biệt những ngày đầu tháng 10/2013, thu hút vốn FDI của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được một con số rất ấn tượng, tổng số vốn đăng ký đã được cấp phép đầu tư xấp xỉ 3,5 tỷ USD. Kết quả này vượt trội so với 20 năm vừa qua.

Có được kết quả đó, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung vào một số nhóm giải pháp. Trước tiên, tỉnh xây dựng một đề án cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2011 - 2015. Thứ hai, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp, kêu gọi đầu tư có hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững.

Thứ ba, cải thiện và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nếu năm 2011, tỉnh Thái Nguyên đứng 57/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến 2012, chỉ số này vượt 40 bậc, vươn lên đứng thứ 17/63, tạo môi trường thuận lợi hấp dẫn các nhà đầu tư.

Thứ tư, tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; nâng cao chất lượng điều hành của chính quyền các cấp, tăng cường tính năng động, chủ động sáng tạo trong các vấn đề về thu hút đầu tư.

Thứ năm, tỉnh đã quan tâm đến công tác quy hoạch, nhiều khu quy hoạch lớn của tỉnh đã mạnh dạn thuê các công ty tư vấn nước ngoài có tầm cỡ trên thế giới làm quy hoạch cho phát triển ổn định lâu dài và không bị lạc hậu.

Với các cơ sở nền tảng đó, xin ông chia sẻ bí quyết cụ thể để Thái Nguyên bứt phá trong thu hút FDI là gì?

Trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên cũng đã đổi mới suy nghĩ và cách làm để thu hút đầu tư. Trong đó, tiêu biểu như quan điểm “3 thân thiện”.

Một là, thân thiện với các doanh nghiệp. Đây là ưu tiên hàng đầu, vì doanh nghiệp phát triển được mới tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm và tăng ngân sách Nhà nước.

Hai là, thân thiện với nông dân, vì trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, người nông dân cũng là một bộ phận quan trọng. Phải quan tâm đầy đủ cơ chế, chính sách cho người dân, nhất là khi họ đã hiến đất cho nhà nước để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân trong phương án đền bù, tái định cư khi triển khai dự án.

Ba là, thân thiện với môi trường, nó thể hiện tính bền vững trong quá trình phát triển. Bởi vì phát triển kinh tế xã hội mà không quan tâm nhiều đến công tác bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ tự hại cuộc sống của mình.

Hành động thiết thực sẽ “hữu xạ tự nhiên hương”

 Nếu phải thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài về lợi thế so sánh của Thái Nguyên so với các địa phương khác, thì ông sẽ nói điều gì?

Thái Nguyên có một vị trí địa lý rất thuận lợi, gần Thủ đô Hà Nội, lại mới được Thủ tướng Chính phủ quyết định Thái Nguyên là vùng thủ đô. Thái Nguyên có hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường sắt kết nối thuận tiện với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi phía Bắc. Và từ Thái Nguyên về sân bay Nội Bài chỉ gần 40 km. Hệ thống giao thông này rất thuận tiện cho việc giao thương, đi lại của khách trong nước cũng như quốc tế.

Về phát triển công nghiệp, Thái Nguyên là tỉnh có phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp luyện kim hàng đầu của Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước. Cụ thể là nhà máy gang thép Thái Nguyên và rất nhiều nhà máy sản xuất cơ khí trên địa bàn.

Hơn nữa, địa bàn Thái Nguyên ít bị ảnh hưởng của thiên tai bão lũ, động đất....

Đặc biệt, về con người, người Thái Nguyên rất chịu khó, lại có tư duy công nghiệp từ rất sớm. Tỉnh Thái Nguyên còn là một trong những trung tâm giáo dục đào tạo cả nước, chỉ sau Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hiện nay, trên địa bàn Thái Nguyên có gần chục trường đại học và tương đương; 24 trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và 53 cơ sở đào tạo nghề. Đây là cơ sở quan trọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, Thái Nguyên còn giàu tài nguyên thiên nhiên khoáng sản. Hiện nay, có mỏ Vonfram rất lớn (thứ nhì thế giới), đang được các nhà đầu tư trong nước đầu tư. Và hiện đã tiếp nhận một dự án chế biến sâu quặng vonfram của doanh nghiệp từ cộng hòa Liên bang Đức. Nếu dự án này hoàn thành đi vào sử dụng, sẽ nộp ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng/năm.

Hơn thế, trong quá trình vận động vốn đầu tư, Thái Nguyên có cách rất đặc biệt để “hữu xạ tự nhiên hương”. Tức là ngoài việc tổ chức hội thảo, hội nghị quảng bá tiềm năng của tỉnh, chúng tôi thường xuyên quan tâm đến các doanh nghiệp bằng cách tạo điều kiện cho họ hoạt động thuận lợi, kinh doanh hiệu quả. Bởi vì khi các doanh nghiệp được quan tâm, tạo điều kiện, sản xuất kinh doanh tốt thì họ sẽ tự giới thiệu bạn bè, cộng đồng doanh nghiệp đến với Thái Nguyên ngày càng đông hơn.

Sau đầu tư của Samsung, chúng tôi hy vọng sẽ có làn sóng đầu tư vào Thái Nguyên đến từ các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, và một nước châu Âu.

 Sau những thành tựu vừa qua, kế hoạch thu hút FDI của tỉnh được đặt ra tiếp theo như thế nào, thưa ông?

Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút các doanh nghiệp FDI ngày càng nhiều. Trong đó, phát huy lợi thế Công ty điện tử Samsung là một công ty hàng đầu thế giới về công nghệ cao trong lĩnh vực điện tử. Samsung sẽ có sự lan tỏa lớn để nhiều doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung đầu tư vào tỉnh Thái Nguyên.

Tỉnh cũng đề ra mục tiêu đến hết năm 2013 nâng cao hơn nữa FDI vào tỉnh Thái Nguyên, mức cụ thể là đạt từ 4 - 5 tỷ USD. Để có kết quả đó, chúng tôi tiếp tục phát huy những giải pháp đã thực hiện trong thời gian vừa qua, đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó đặc biệt là giao thông.

Trân trọng cảm ơn ông!./.

Theo Xuân Thân

cucpth

VOV online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên