MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 10 sẽ triển khai thí điểm tự chứng nhận xuất xứ sang ASEAN

Một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu biểu sang khu vực ASEAN sẽ được lựa chọn để triển khai thí điểm tự cấp giấy chứng nhận xuất xứ (CO) từ tháng 10 tới.

Đó là thông tin vừa được đại diện Bộ Công Thương đưa ra. Theo đó, để được hưởng ưu đãi thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), các DN Việt Nam cần phải đáp ứng được các yêu cầu về quy tắc xuất xứ hàng hóa. Đồng thời, DN cũng cần phải có giấy chứng nhận quy tắc xuất xứ do các cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp.

Hiện nay, để được cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, DN thường đến các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) để xin cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Tuy nhiên, từ tháng 10 tới đây Bộ Công Thương sẽ chính thức thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu thay cho C/O mẫu D. Theo đó, cơ chế này yêu cầu các DN tham gia sẽ phải vừa là nhà sản xuất, vừa là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất.

DN được lựa chọn tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ đạt yêu cầu không vi phạm quy định về xuất xứ trong hai (02) năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.

Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu USD Mỹ. DN cũng phải có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng chỉ hoặc chứng nhận về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công Thương chỉ định cấp.

Theo đại diện Bộ Công Thương, cơ chế thí điểm tự chứng nhận xuất xứ chỉ được triển khai trong ASEAN. Tức là những DN đựa lựa chọn phải có hàng xuất khẩu sang ASEAN mới được xét duyệt tham gia thí điểm cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Được biết, Việt Nam tham gia cơ chế tự chứng nhận xuất xứ từ cuối năm 2014. Mục tiêu của chương trình tự cấp giấy chứng nhận C/O ưu đãi là tất cả các DN bao gồm nhà sản xuất và nhà xuất khẩu đều được tham gia. Thương nhân được lựa chọn tham gia thí điểm tự chứng nhận xuất xứ vẫn có thể xin cấp C/O mẫu D thông thường, nếu muốn.

Việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu giúp cho DN tiết giảm được chi phí, thời gian. Tuy nhiên, khi tự chứng nhận xuất xứ, trách nhiệm của DN đối với các thông tin liên quan đến chứng nhận xuất xứ sẽ cao hơn.

Điều đó đồng nghĩa, DN phải chịu trách nhiệm với nhà nhập khẩu và nước nhập khẩu sở tại về những thông tin xuất xứ hàng hóa được khai báo trên giấy chứng nhận xuất xứ.

Được biết, từ tháng 10 tới Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hoạt động đào tạo cán bộ trong việc thực hiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên cho các DN để nâng cao kiến thức liên quan đến việc tự chứng nhận xuất xứ. Những cán bộ được đào tạo sẽ được cấp chứng chỉ về chứng nhận xuất xứ

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên