Tháo nút thắt cho hợp tác công-tư
Dự thảo Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa các vấn đề về vốn và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân tham gia hợp tác.
Chẳng hạn như TP. Hồ Chí Minh, năm 2013 qua rà soát đã phát hiện 77 dự án chậm tiến độ đầu tư trên diện tích gần 1.000 ha tại các quận huyện, đồng thời có quyết định không tiếp tục gia hạn đối với các dự án này. Cũng trong năm 2013, Hà Nội ban hành 13 quyết định thu hồi đất đối với 11 đơn vị, tổ chức có dự án chậm tiến độ.
Trong khi đó, theo Bộ KH&ĐT tính đến cuối năm 2012, cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo” với trên 130.000 ha đất bỏ hoang. Các địa phương đang tiến hành rà soát để thu hồi các dự án chậm quá 24 tháng.
Thực trạng hiện nay, hàng nghìn dự án lớn chậm tiến độ đầu tư trên phạm vi cả nước, ngoài các nguyên nhân thị trường BĐS đóng băng, nền kinh tế khó khăn…, thì còn do chính sách thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thời gian qua kém hiệu quả. Mặc dù hơn 4 năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 108/2009/NĐ-CP (NĐ 108), tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động nguồn lực của khu vực tư nhân tham gia đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.
Tuy nhiên, do các quy định về xây dựng, công bố danh mục dự án và lựa chọn nhà đầu tư chưa được thực hiện nghiêm túc, cộng với việc áp dụng chủ yếu hình thức chỉ định nhà đầu tư, đã ảnh hưởng đến tính minh bạch, cạnh tranh, đồng thời hạn chế khả năng lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tốt nhất.
Ngoài ra, cơ chế tài chính của hợp đồng dự án, đặc biệt là việc xác định tổng vốn đầu tư, quyết toán công trình, xác định giá trị công trình xây dựng - chuyển giao (BT), tính toán lãi suất và lợi nhuận định mức của nhà đầu tư thực hiện dự án BT… chưa minh bạch, rõ ràng.
Việc này dẫn đến tình trạng áp dụng không thống nhất giữa các dự án, đặc biệt là đối với các dự án BT được đề xuất thực hiện theo cách thức sử dụng vốn vay ngân hàng, tính lãi vay ngân hàng vào giá công trình và giải ngân theo tiến độ cấp vốn từ ngân sách để thanh toán.
Bên cạnh NĐ 108, cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg (QĐ 71) nhằm thí điểm thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức PPP. Mặc dù quyết định này đã đưa ra những quy định có tính nguyên tắc về hình thức đầu tư này nhưng chưa làm rõ các mô hình hợp đồng dự án PPP, tiêu chí lựa chọn dự án.
Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến hình thức, điều kiện, nội dung quản lý, sử dụng nguồn vốn Nhà nước để tham gia hoặc hỗ trợ thực hiện dự án chưa được quy định rõ ràng, khiến các nhà đầu tư nước ngoài và khu vực tư nhân trong nước còn e ngại.
Chính vì vậy, việc ban hành nghị định về đầu tư theo hình thức PPP trên cơ sở hợp nhất và sửa đổi NĐ 108 cũng như QĐ 71 được xem là việc làm cần thiết và kịp thời trong thời điểm hiện nay.
Xem xét các thay đổi trong Dự thảo Nghị định có thể thấy rằng, ngoài việc quy định chặt chẽ quy trình phân phối, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước đối với các dự án PPP, Dự thảo đã nới rộng các lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP và cho phép các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định hình thức đầu tư PPP đối với các dự án tại địa phương mình.
Việc bổ sung các quy định này có ý nghĩa quan trọng, bởi từ trước đến nay, nhiều dự án thuộc các lĩnh vực như thủy lợi, hạ tầng nông nghiệp nông thôn, chợ đầu mối, nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư... chưa được quy định tại NĐ 108 và QĐ 71. Khi muốn thực hiện, các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh đều phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong từng trường hợp cụ thể.
Nay, nếu nới rộng ra và trao quyền quyết định cho các địa phương – như Dự thảo, sẽ giúp Nhà nước có thể huy động nguồn vốn tư nhân để tham gia sản xuất, cung ứng. Các DN tư nhân tại các địa phương cũng sẽ tích cực hơn trong việc tham gia các dự án PPP vì không còn phải chờ Chính phủ phê duyệt, mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị định nêu rõ tỷ lệ nguồn vốn do nhà đầu tư góp và huy động khi thực hiện dự án PPP. Cụ thể, đối với các dự án có tổng vốn đầu tư đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15%; đối với các dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định không thấp hơn 10%.
Việc bắt buộc tỷ lệ vốn này sẽ giúp loại bỏ những nhà đầu tư có năng lực tài chính yếu kém. Mở cơ hội cho các DN tư nhân có vốn mạnh tham gia dự án PPP. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giảm thiểu các dự án chậm tiến độ gây lãng phí và thiệt hại cho xã hội.
Theo Thạch Bình