“Thay đổi mô hình tư duy và MH phát triển kinh tế là giải pháp gốc cho tăng năng suất và thu nhập”
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cho rằng lãnh đạo các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp khi bàn về làm sao để tăng trưởng bền vững hơn, hiệu quả hơn hãy đặt 5 câu hỏi thay vì 2 câu hỏi như hiện nay.
Thông tin báo chí ngày 9/5/2014 của Tổ chức lao động thế giới cho biết, năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. |
Như vậy, khi tỷ lệ người làm việc trong dân số các nước xấp xỉ như nhau thì so sánh năng suất lao động giữa các nước cũng tương đương so sánh tổng sản phẩm nội địa theo đầu người giữa các nước. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, một quốc gia có tổng sản phẩm nội địa dưới 1.000 USD/người/năm được xếp vào nước nghèo. Việt Nam thoát nghèo vào năm 2008.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, câu hỏi vì sao năng suất lao động của Việt Nam thấp tương đương với câu hỏi vì sao Việt Nam nghèo? Đồng thời ông đưa ra 5 lý do giải thích vì sao Việt Nam nghèo hơn so với các nước khác:
(1) Xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là khác nhau (bao gồm cả hạ tầng, trình độ khoa học kỹ thuật công nghệ....);
(2) Khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Khả tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đầy đủ các khâu của chuỗi sản xuất/giá trị hàng hóa do đó giá trị gia tăng chưa cao;
(3) Trình độ công nghệ thấp, lạc hậu. Theo báo cáo điều tra giai đoạn 2000 – 2011, các doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao chỉ chiếm 2%, sử dụng công nghệ trung bình thấp chiếm 29%, sử dụng trung bình cao chiếm 10%, công nghệ thấp chiếm gần 60%.
(4) Vẫn sử dụng nhiều lao động trong nông nghiệp, và trình độ lao động thấp. Năm 2014 lao động trong nông nghiệp chiếm 47% lao động cả nước, góp 18% tổng sản phẩm nội địa. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp đến năm 2014 mới đạt 40%, trong khi Singapore đạt 62%, Hàn Quốc là 62%.
(5) Đầu tư cho khoa học công nghệ thấp. Từ năm 2001 – 2011, tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ khoảng 0,5% tổng sản phẩm nội địa. Trong vòng 10 năm tỷ lệ này chỉ tăng từ 0,48% lên 0,51%.
Ngoài 5 yếu tố trên còn nhiều yếu tố khác như sản xuất gia công, xuất khẩu sản phẩm thô, cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm....
Vậy lao động Việt Nam có khả năng làm chủ công nghệ hiện đại năng suất cao không? Chủ tịch UBMTTQVN Nguyễn Thiện Nhân tự tin trả lời rằng:
(i) Trong các nhà máy do nước ngoài đầu tư như Intel, Samsung, Toyota, lao động Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ kỹ thuật hiện đại đạt năng suất kỹ thuật không thua kém các nước, mà chi phí lao động chỉ bằng 1/10 hay 1/20 các nước khác.
(ii) Trong lĩnh vực nông nghiệp, nền nông nghiệp Việt Nam có 12 loại cây trồng vật nuôi có năng suất cao nhất thế giới: Gạo, điều, nho, cao su, tiêu, cà phê, dừa, chè, nho, thuốc lá, cá tra, bò sữa.
Tuy nhiên, đối với lĩnh vực nông nghiệp, mặc dù xuất khẩu nông sản năm 2013 đạt gần 20 tỷ USD, nhưng đời sống người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định. Người nông dân vẫn phải đối mặt với tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa. Nông dân cá thể không thể chi phối được thị trường đầu vào và sản phẩm đầu ra. 2 thị trường này có dấu hiệu thỏa thuận giữa các doanh nghiệp để tăng giá đầu vào hạ giá đầu ra. Đầu vào cao, chất lượng kém vẫn phải mua, đầu ra giá thấp vẫn phải bán.
Làm thế nào để tăng năng suất lao động cho nền kinh tế và tăng thu nhập cho người nông dân?
“Tăng năng suất lao động của nền kinh tế phải tăng năng suất lao động của từng khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ”- ông Nhân chia sẻ.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tập trung tháo gỡ nút thắt với sự phát triển bền vững của nông nghiệp để tăng năng suất lao động khu vực nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân.
Giải pháp là phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất nông nghiệp; chuyển mô hình sản xuất từ hộ sản xuất cá thể, mua bán trực tiếp trên thị trường đầu vào đầu ra, không có tính cạnh tranh cao, chèn ép hộ nông dân sang mô hình mới hộ nông dân liên kết trong tổ chức hợp tác, tổ chức hợp tác mua bán trên thị trường đầu vào đầu ra, có tính cạnh tranh cao, xuất khẩu đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác của nông dân.
Đồng thời, chủ tịch UBMTTQ Việt Nam đề nghị lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, các chủ doanh nghiệp khi bàn về làm sao để tăng trưởng bền vững hơn, hiệu quả hơn hãy đặt 5 câu hỏi: (1) người có đào tạo ở đâu? (2) Khoa học công nghệ ở đâu? (3) Thị trường ở đâu? (4) Đất ở đâu? (5) Vốn ở đâu? Chứ không dừng lại ở 2 câu hỏi “vốn ở đâu?” và “đất ở đâu?”
Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh “thay đổi mô hình tư duy và thay đổi mô hình phát triển kinh tế là giải pháp gốc cho tăng năng suất và tăng thu nhập.”