Thế cờ bán lẻ 2014
Các hãng sản xuất đang có những chiến lược bán hàng nhiều triển vọng khi trực tiếp bắt tay với các nhà phân phối chuyên nghiệp.
Cộng hưởng lực
Hôm nay, 8-2 chuỗi đồ ăn nhanh thương hiệu quốc tế Mcdonald chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Ở đây, không bàn về phương pháp kinh doanh, thị phần các hãng đồ ăn nhanh đang có mặt của Việt Nam ra sao. Đơn giản, phía sau cuộc khai trương này cho thấy, Việt Nam vẫn là điểm kinh doanh hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra các nhà bán lẻ quốc tế cũng đang rậm rịch khai trương các chi nhánh kinh doanh tại mảnh đất 90 triệu dân của Đông Nam Á. Chỉ còn đếm từng ngày, Lotte sẽ khánh thành tòa nhà tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh- Đào Tấn. Một chuỗi cửa hàng của hãng này sẽ đi vào kinh doanh. Khi các doanh nghiệp sản xuất nội muốn đưa được hàng của mình lên các kệ siêu thị ngoại này, phải có chiến lược.
Trước thế trận bán lẻ mới, các doanh nghiệp sản xuất nội bắt buộc phải thay đổi và hình thành lối phân phối hàng hóa đặc biệt. Hãng bán đồ sấy Vinamit đang gợi ra cách kinh doanh mới, trực tiếp bắt tay với siêu thị. Tại Việt Nam, ngoài việc tăng đưa hàng đến các siêu thị, trung tâm bán lẻ, công ty này còn trực tiếp làm việc Co.opmart. Trên bao bì của Vinamit, mặt trước in hình sản phẩm, mặt sau giới thiệu về Coopmart. Còn trên đất Mỹ, để đưa sản phẩm cạnh tranh, Vinamit "cộng hưởng” với hãng phân phối Dole. Cả Coopmart lẫn Dole là những nhà phân phối đình đám.
Vì vậy khi các doanh nghiệp sản xuất hàng nội địa muốn tăng doanh thu bán lẻ của mình, bắt tay phối hợp với nhà phân phối có thể nhân đôi được sức mạnh của mình. Hãng sản xuất cung ứng sản phẩm, nhà bán lẻ có hàng để bán và ngược lại.
Việc doanh nghiệp trực tiếp phối hợp với doanh nghiệp phân phối được xem như là một giải pháp cứu nguy trong thời kỳ tổng cầu suy giảm. Ở Việt Nam, nhiều nhãn hàng đã nỗ lực hướng tới người tiêu dùng, kết hợp với các siêu thị lớn để tung ra sản phẩm độc quyền.
Tận dụng cơ hội
Năm 2014 là thời điểm nhiều phương thức bán lẻ mới ứng dụng hiệu quả vào hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Song bài toán đặt ra là làm sao để hợp tác có lợi mà không bị nuốt chửng. Bởi thế trận kinh doanh của Việt Nam cũng cho thấy có nhiều thương hiệu sau hợp tác là thâu tóm. Trong đó trường hợp thương hiệu bánh kẹo hàng đầu của Việt Nam Bibica là điển hình. Bibica và đang có nguy cơ vĩnh viễn biến mất và rơi vào tay đại gia bán lẻ Lotte - Hàn Quốc.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự thâm nhập từng bước của giới đầu tư nước ngoài cũng như nỗ lực đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối theo hướng hiện đại để tăng sức cạnh tranh, kết hợp với hợp tác giữa các đơn vị nội địa trong bối cảnh hội nhập. Theo đó, dự báo đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội.
Vì vậy việc doanh nghiệp trực tiếp liên doanh với nhà phân phối sẽ mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Ông Vũ Vinh Phú – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội khẳng định với Đại Đoàn Kết, hệ thống bán lẻ nội địa cũng đang chuyển từ phân phối truyền thống sang kênh hiện đại. Ngoài ra, còn có hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi (theo mô hình hiện đại của các nước tiên tiến) phân bổ rộng khắp cả nước. Doanh nghiệp sản xuất tận dụng được thế mạnh, phối hợp trực tiếp chắc chắn tăng được doanh thu. Hơn nữa, hạn chế được tối đa các khâu phân phối trung gian, doanh nghiệp tối đa hóa được lợi nhuận, đơn vị phân phối có nguồn cung ổn định.
Giới chuyên gia cũng khẳng định, khi hình thành được chuỗi phân phối hàng hóa khép kín sẽ góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, tạo mối quan hệ kinh doanh lâu dài và ổn định giữa các nhà sản xuất và kinh doanh.
Theo Hồ Hương