MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thêm cơ hội cho doanh nghiệp ưu tiên

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 7/2015, cả nước có tổng cộng 38 DN được công nhận là DN ưu tiên, dự kiến đến hết năm 2015 con số này sẽ là 60. So với 500.000 DN đang hoạt động XNK thì việc công nhận này xem ra quá “khắt khe” bởi đằng sau nó là những quyền lợi “khủng”.

Đặc quyền về kiểm hóa

Theo ý kiến của đại diện nhiều doanh nghiệp ưu tiên, việc trở thành DN ưu tiên có một “đặc quyền” ưu việt, đó là được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa và cho thông quan luôn. “Đặc quyền” này không chỉ giúp DN giảm thiểu thời gian, mà còn tiết kiệm sức người, sức của.

Nếu theo thủ tục thông thường, một lô hàng phải mất 7 ngày mới thông quan được hoặc nhanh nhất mất 30 phút nếu thực hiện thủ tục trên Hệ thống VNACCS/VCIS, nhưng là DN ưu tiên thì chỉ mất có 2 phút. Đấy là chưa kể, DN không phải mất thêm một khoản chi phí lưu kho bãi, ước tính nhẹ nhàng cũng mất tới hàng chục nghìn đô/năm tùy vào quy mô và tần suất XNK của mỗi doanh nghiệp.

Ngoài ra, DN ưu tiên còn có thể “tự tin” mở rộng quy mô hoạt động bởi uy tín không chỉ được tạo lập trong nước mà còn “vang xa” khỏi biên giới, tới các vùng lãnh thổ có làm ăn với Việt Nam nhờ “dấu đỏ” xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước.

Lý giải về những “đặc quyền” này, theo lãnh đạo Cục Kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan, việc đưa ra hình thức ưu tiên trên (miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) là phù hợp với thực tế, bởi quá trình xem xét, công nhận DN ưu tiên, cơ quan Hải quan và các cơ quan chức năng đã xem xét, đánh giá một cách cẩn trọng về tính tuân thủ pháp luật của DN, các đóng góp vào hoạt động XNK tại từng địa phương cũng như cả nước đồng thời cam kết của DN ưu tiên về sự tuân thủ của các đối tác.

Đối tác cũng được thơm lây

Theo quy định mới tại Thông tư 38/2015/TT-BTC và Thông tư 72/2015/TT-BTC, các đối tác của DN ưu tiên khi mua, bán hàng hóa (XNK tại chỗ) cũng được ưu tiên giao, nhận hàng trước, khai báo hải quan sau, bởi các đối tác này đã được các DN ưu tiên “bảo lãnh” bằng cam kết.

Tuy nhiên, do chỉ là đối tác, đối với mỗi lần giao nhận, người XK và người NK phải có chứng từ chứng minh việc giao nhận hàng hóa (như hóa đơn thương mại hoặc hóa đơn GTGT hoặc hoá đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ,…), chịu trách nhiệm lưu giữ tại DN và xuất trình khi cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra.

Ngoài ra, các đối tác của DN ưu tiên chỉ được hưởng các chế độ ưu tiên khi mua, bán hàng hóa với DN ưu tiên. Trường hợp đối tác này thực hiện việc XNK cho DN chưa được công nhận là DN ưu tiên sẽ phải thực hiện các quy định của pháp luật về hải quan như thông thường.

Do đó, thực tế có thể xảy ra trường hợp cùng một lô hàng, nếu DN mở 2 tờ khai, một phần bán cho DN ưu tiên và một phần bán cho DN thông thường thì hàng hóa thuộc tờ khai bán cho DN ưu tiên không bị kiểm tra thực tế, nhưng hàng hóa thuộc tờ khai bán cho DN thông thường có thể phải kiểm tra thực tế hàng hóa theo quy định.

Thêm cơ hội cho DN mới

Thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN XNK đủ điều kiện để được xem xét, công nhận DN ưu tiên trong lĩnh vực hải quan.

Nhằm tạo thêm nhiều cơ hội để DN XNK trở thành DN ưu tiên trong lĩnh vực Hải quan, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư 72/2015/TT-BTC ngày 12/5 quy định áp dụng chế độ ưu tiên trong việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa XNK của DN thay thế Thông tư 86/2013/TT-BTC và Thông tư 133/2013/TT-BTC.

Theo đó, đối tượng được xem xét công nhận là DN ưu tiên được mở rộng hơn, ngoài các DN XNK còn bổ sung thêm 2 đối tượng mới là đại lý làm thủ tục hải quan và tổ chức, cá nhân NK hàng hóa để thực hiện dự án đầu tư trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến trước khi cấp phép đầu tư đang trong giai đọan xây dựng cơ bản.

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn kim ngạch XNK tối thiểu cũng được điều chỉnh thấp xuống từ 100 triệu USD/năm trở lên thay vì mức 200 triệu USD/năm như hiện nay; Trường hợp DN XK hàng hóa là nông sản, thủy sản, điều kiện kim ngạch được giảm từ 50 triệu USD/năm xuống còn 30 triệu USD/năm, với trường hợp DN sản xuất hàng hóa XK tại Việt Nam đạt kim ngạch từ 40 triệu USD/năm trở lên cũng được xem xét công nhận là DN ưu tiên (điều kiện trước đây là tối thiểu đạt kim ngạch 50 triệu USD/năm).

Ngoài ra, với trường hợp là đại lý làm thủ tục hải quan, một trong những điều kiện phải có là số lượng tờ khai làm thủ tục đứng tên đại lý đạt từ 20.000 tờ/năm trở lên. Ngoài ra, các DN có kiểm soát nội bộ, đảm bảo an ninh an toàn dây chuyền cung ứng hàng hóa XNK theo khung tiêu chuẩn được Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) khuyến nghị cũng trở thành đối tượng được xem xét ưu tiên.

Hi vọng với những cơ chế mở hơn, thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN XNK đủ điều kiện để được xem xét, công nhận DN ưu tiên trong lĩnh vực hải quan.

Theo Cục Kiểm tra sau thông quan, đến nay, Tổng cục Hải quan đã công nhận DN ưu tiên cho 38 DN. Trong đó, có 25 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 1 DN liên doanh (Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro) và 12 DN trong nước. Trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có DN ưu tiên, Nhật Bản đứng vị trí số 1 với 9 DN được, tiếp theo là Hàn Quốc với 9 DN… Trong năm 2014, tổng giá trị kim ngạch XNK của các DN ưu tiên đạt 75 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị kim ngạch XNK cả nước.

 

Theo Minh Nguyên

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên