"Theo dõi số liệu của Việt Nam quá mệt mỏi"
“Khi kinh tế dựa vào vay mượn mà không ổn định (vì lạm phát) thì dù có là thánh cũng không thể quản lý hữu hiệu được”.
Rất đáng quan ngại!
Báo cáo của Bộ Tài chính vừa trình Quốc hội cho thấy các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có nợ nần chồng chất. Theo đó, năm 2012, 127 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ – con có tổng số nợ phải trả là 1.348.752 tỉ đồng, tương đương 62 – 63 tỉ USD, xấp xỉ 50% GDP của Việt Nam năm 2012 là 136 tỉ USD.
Khoản nợ này bằng 78,9% doanh thu cả năm 2012 của các tập đoàn, tổng công ty này (doanh thu năm 2012 là 1.709.171 tỉ đồng); vượt 132% vốn chủ sở hữu (1.019.578 tỉ đồng) và chiếm già nửa so với tổng tài sản 2.569.433 tỉ đồng.
Trong số này, khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là 402.955 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế; vay nợ nước ngoài là 315.851 tỉ đồng (vay ngắn hạn 70.659 tỉ đồng, dài hạn 245.192 tỉ đồng), trong đó 2/3 là vay ODA và được Chính phủ bảo lãnh.
Khoản nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng của các tập đoàn, tổng công ty là 402.955 tỉ đồng, tăng 2% so với năm 2011, tương ứng 1/3 tổng dư nợ của cả nền kinh tế; |
Theo chuyên gia Bùi Trinh: “Đã làm ăn đương nhiên là phải nợ nần, thậm chí tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn lên đến 3 cũng không sao nhưng chỉ trong ngắn hạn, tỷ lệ này cao trong cả một thời gian dài mà lại trong lúc nền kinh tế gặp điều bất ổn sẽ rủi ro cao. Chính vì thế khi lãi suất lên cao thì mới đổ vỡ như vừa qua”.
Ông Trinh còn dẫn thêm trong cuốn “Sự phát triển của Doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006-2011”, của TCTK, phần 2 và phần 3 cho thấy số liệu về nợ của DNNN thì gấp hơn 3,3 lần vốn chủ sở hữu, “điều này có nghĩa có 1 đồng còn phải mượn 3,3 đồng; tỷ lệ này cao như vậy suốt từ năm 2006 đến nay. Tỷ lệ nợ này là rất đáng quan ngại!”, chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh.
TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Uỷ viên HĐQT của Ngân hàng Đông Á và Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia thì cho rằng: con số nợ này đang làm cho tính hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp thấp, tạo nên gánh nợ xấu lớn cho đất nước.
“Chính vì lẽ đó nhân dịp này mình cần phân tích rõ ra, chỉ rõ nguyên nhân đâu là khách quan, đâu là chủ quan; cái nào cần phá đi, cái nào cần doanh nghiệp phải làm; cái nào nhà nước phải bù đắp… hay giao lại, bán ra sao…
Tất cả những điều này phải xác định cho rõ trên cơ sở những giải pháp cụ thể thì mới nói chuyện cơ cấu lại. Chứ còn để hổ lốn như hiện nay thì cơ cấu lại rất khó. Khi muốn xử lý thì phải làm rõ thực trạng và nguyên nhân, khi đó nguyên nhân nào mới biết được giải pháp đó cho chuẩn”, TS Kiêm nói.
Thế nhưng chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt từng nhận định: “Khi kinh tế dựa vào vay mượn mà không ổn định (vì lạm phát) thì dù có là thánh cũng không thể quản lý hữu hiệu được”.
Không khoanh rõ, khó mà tái cơ cấu
Việc tập đoàn nhà nước dù luôn báo kinh doanh lỗ mà lại có được những khoản vay lớn, TS Kiêm cho rằng đó là thể hiện việc quản lý đang rất lỏng lẻo.
“Đáng lẽ lỗ là không được cho vay nhưng ở đây vẫn cứ cho vay. Cho nên nợ cứ chồng lên và nợ quá hạn cũng vậy. Bản thân ngân hàng cho vay cũng rất gay và doanh nghiệp sản xuất thì càng ngày càng lún sâu vào lỗ, nợ”, TS Kiêm lo ngại.
Trên thực tế, đã có chuyên gia thẳng thắn chỉ ra, ngân hàng thương mại đang bị biến thành con tin của doanh nghiệp. TS Cao Sĩ Kiêm cho rằng cũng có thể có.
Ông phân tích: Chắc phải có chuyện ngân hàng và doanh nghiệp thông đồng với nhau hay làm méo mó từ đầu thì dứt khoát đâm lao phải theo lao. Dù khi ngân hàng phát hiện khả năng trả nợ của doanh nghiệp không có nhưng nếu mạnh dạn rút ra thì nguy cơ đổ sập ngân hàng là có thể xảy ra nên thực tế đã có ngân hàng che đậy đi.
“Hậu quả tiếp theo là suy sụp, công ăn việc làm không có, ngân sách không thu được, sản phẩm xã hội tăng trưởng không có và nền kinh tế tụt lùi và đi xuống thôi, TS Kiêm cảnh báo.
Còn chuyên gia Bùi Trinh thì e ngại: giá trị tài sản của những doanh nghiệp dường như đang được đánh giá không đúng với giá trị thực với đủ mọi lý do, đủ mọi kiểu. Nếu đánh giá lại tài sản nghiêm túc e rằng tỷ lệ nợ có khi còn cao hơn nhiều.
“Đây là thời điểm mà sự khác nhau của các loại số liệu gây nên những nhân định rất khác nhau. Có chuyên gia nhận định “theo dõi số liệu của Việt Nam quá mệt mỏi, cần phải có nghiệp vụ thám tử”, ông Trinh chua chát.
Do vậy khi chưa nhìn nhận đúng thực trạng thì khó mà có một “bài thuốc” hữu hiệu cho việc "trị bệnh" tái cơ cấu nền kinh tế.
Theo Bích Ngọc