MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thí điểm cho hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp

Riêng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất trồng lúa, ngoài các điều kiện quy định trên phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa có Quyết định về việc thí điểm cho hộ nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp có thời hạn để hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam để thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Điều kiện góp vốn

Theo đó, hộ nông dân được góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp (gồm: Đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất trồng cây hàng năm) khi trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi có dự án sử dụng đất góp vốn. Trường hợp hộ nông dân không có hộ khẩu thường trú nhưng có đất nông nghiệp trong vùng quy hoạch dự án thì vẫn được thỏa thuận với công ty cao su để góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào dự án trồng cây cao su theo quy định của pháp luật dân sự, không thực hiện theo quy định tại Quyết định này.

Cùng với đó, hộ nông dân phải có diện tích đất nông nghiệp nằm trong vùng quy hoạch đất của dự án, không có tranh chấp, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) hoặc đất có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 trong thời hạn cho phép và không bị kê biên để đảm bảo thi hành án.

Riêng việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất trồng lúa, ngoài các điều kiện quy định trên phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Nguyên tắc góp vốn

Quyết định cũng quy định rõ nguyên tắc góp vốn. Theo đó, trong vùng quy hoạch dự án, chủ đầu tư dự án phải nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong thời hạn dự án khi hộ nông dân có đủ điều kiện góp vốn theo quy định và có yêu cầu được góp vốn.

Việc góp vốn được thực hiện trên cơ sở Hợp đồng góp vốn được ký kết giữa hộ nông dân và tổ chức nhận góp vốn theo nguyên tắc tự nguyện, cùng thoả thuận, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên góp vốn. Trường hợp các bên góp vốn không thoả thuận được các nội dung trên Hợp đồng góp vốn thì UBND tỉnh Sơn La xem xét, quyết định cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia góp vốn.

Tổ chức nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp là các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam. Sau khi nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ nông dân phải thành lập công ty cổ phần để thực hiện dự án đầu tư trồng cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La và phát hành cổ phiếu theo quy định của pháp luật.

Hộ nông dân có quyền của cổ đông

Theo quy định, khi tham gia góp vốn hộ nông dân sẽ có quyền được mua cổ phần phổ thông hoặc ưu đãi theo quy định của Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty; có các quyền của cổ đông tương ứng với loại cổ phần mình nắm giữ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; ngoài ra còn được công ty đảm bảo mua lại cổ phần với giá ít nhất bằng giá trị quyền sử dụng đất đã thỏa thuận quy đổi ra cổ phần tại thời điểm góp vốn; được công ty ưu tiên thanh toán trước các cổ đông khác của công ty đối với phần vốn đã góp vào tổ chức nhận góp vốn khi tổ chức này phá sản, giải thể phải phát mãi tài sản của doanh nghiệp để thanh toán nợ; được hưởng trợ cấp khi công ty chưa có cổ tức hoặt công ty kinh doanh chưa có lãi, mức trợ cấp cụ thể do hai bên thỏa thuận và ghi cụ thể vào Hợp đồng góp vốn.

Ngoài ra, hộ nông dân còn có quyền được thừa kế, cho, tặng quyền sử dụng đất nông nghiệp đã góp vốn theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế, cho, tặng tài sản; được chuyển nhượng phần vốn góp theo hình thức bán cổ phiếu có điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định cụ thể của UBND tỉnh Sơn La; được hưởng các hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước, của địa phương và của công ty...

Bên cạnh các quyền trên, hộ nông dân có nghĩa vụ của cổ đông tương ứng với loại cổ phần mình nắm giữ theo quy định; có nghĩa vụ bàn giao đất cho công ty sử dụng theo đúng thời hạn, đủ diện tích, đúng hạng đất, loại đất, vị trí, số hiệu và tình trạng đất như đã thỏa thuận trong Hợp đồng góp vốn. Hộ nông dân cũng phải bàn giao Giấy chứng nhận cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện cất giữ theo thỏa thuận ghi trong Hợp đồng góp vốn...

Công ty phải nhận thành viên của hộ nông dân góp vốn vào làm việc

Quyết định cũng nêu rõ, ngoài các nghĩa vụ như thanh toán cổ tức và các khoản hỗ trợ, trợ cấp (nếu có) cho hộ nông dân góp vốn đảm bảo đầy đủ và đúng thời hạn; công ty có nghĩa vụ nhận thành viên trong độ tuổi lao động của hộ nông dân góp vốn vào làm việc tại tổ chức; hỗ trợ kinh phí cho hộ nông dân góp vốn ổn định đời sống và thực hiện chuyển đổi nghề (nếu có) trong trường hợp không nhận thành viên của hộ nông dân vào doanh nghiệp.

>>

Theo Phương Nhi

thunm

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên