MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thông điệp về TPP từ bài viết của Thủ tướng Chính phủ

Bài viết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức - Hành động của chúng ta” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chứa đựng 3 thông điệp nổi bật giúp nhận thức rõ hơn những nội dung chính, tinh thần căn bản, cốt lõi về TPP cũng như về hội nhập quốc tế của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Khẳng định sâu sắc hơn tầm vóc và ý nghĩa của TPP như là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

Đây là thông điệp nổi bật trong bài viết của Thủ tướng Chính phủ.

Được kỳ vọng trở thành hình mẫu cho phát triển thương mại khu vực và thế giới với yêu cầu cao hơn trong bối cảnh lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có nội dung toàn diện (nhưng không bao gồm các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh) và có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn các cam kết trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trước đây.

TPP mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hình thành mạng sản xuất và chuỗi cung ứng mới, mở rộng quy mô thương mại nội khối.

TPP nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân; góp phần giải quyết những thách thức trong nền kinh tế đương đại, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, phát triển nền kinh tế số, bảo vệ các quyền cơ bản của người lao động và bảo vệ môi trường, bảo đảm cơ hội để các nền kinh tế thành viên có trình độ phát triển khác nhau và doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đều có thể được hưởng lợi, đem lại lợi ích nhiều hơn cho sản xuất kinh doanh, người lao động cũng như người tiêu dùng… trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị của mỗi nước, tuân thủ đầy đủ pháp luật quốc gia, phù hợp với các cam kết quốc tế và cân bằng lợi ích hơn, loại bỏ nhanh thuế xuất khẩu, nhập khẩu và rào cản phi quan thuế; tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử, minh bạch và cạnh tranh công bằng, tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư…

Thông điệp về phép biện chứng của tiến trình phát triển và hội nhập quốc tế

Tham gia TPP, Việt Nam sẽ có thêm những  xung lực mới thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, đuổi kịp và vượt quốc gia đã có trình độ phát triển cao hơn, nâng cao hiệu quả kinh tế, nuôi dưỡng tinh thần đổi mới, sáng tạo, khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao đời sống dân cư, cải thiện quan hệ thương mại với các nước theo hướng cân bằng hơn và nâng tầm trình độ phát triển phát triển kinh tế-xã hội.

Những cam kết trong các Hiệp định là những khung khổ, chuẩn mực để góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, trong các Hiệp định thương mại tự do, cơ hội luôn đi liền với thách thức và trong thách thức luôn ẩn chứa cơ hội.

Đặc biệt, cần nhận thức sâu sắc rằng  cơ hội thuận lợi tự nó không chuyển thành sức mạnh kinh tế, lợi ích và khả năng cạnh tranh trên thị trường,  mà phải thông qua sự nỗ lực và hiệu quả hoạt động hướng đích của các chủ thể – Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tham gia TPP cũng đồng nghĩa với Việt Nam sẽ đối diện với sự gia tăng các sức ép nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường trên cả ba cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia, đặc biệt là về chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước pháp quyền và cả hệ thống chính trị của nước ta; cải thiện khoảng cách giàu nghèo và thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thành quả của tăng trưởng.

Khó khăn thách thức sẽ là sức ép không nhỏ, nhưng mức độ ảnh hưởng đến đâu phụ thuộc vào năng lực ứng phó của từng chủ thể. Nếu tận dụng tốt cơ hội thuận lợi sẽ đẩy lùi được khó khăn thách thức, tạo ra cơ hội thuận lợi mới lớn hơn; ngược lại, khó khăn thách thức sẽ lấn át, chúng ta sẽ bị thua thiệt và rất khó khắc phục.

Doanh nghiệp là chủ thể quyết định sức cạnh tranh vi mô, phản ảnh sức mạnh và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, buộc phải chấp nhận cạnh tranh và chủ động, sáng tạo không ngừng nâng cao sức cạnh tranh với tư duy thị trường toàn cầu. Tuy vậy, doanh nghiệp cũng phải hành động trong khung khổ chất lượng thể chế và môi trường kinh doanh do Nhà nước quyết định.

Thể chế quản trị quốc gia là yếu tố quyết định nhất đến sức cạnh tranh vĩ mô và sự phát triển của một nền kinh tế. Phát triển nhanh và bền vững hay trì trệ, tụt hậu chủ yếu là do chất lượng thể chế. Thể chế tạo ra khung khổ, định ra giới hạn cho cải thiện môi trường kinh doanh. Không thể có môi trường kinh doanh tốt nếu không có thể chế phù hợp. Thể chế tốt, bảo đảm nhà nước pháp quyền, quyền dân chủ của người dân và phù hợp với kinh tế thị trường hiện đại sẽ khơi dậy được cao nhất sức mạnh tổng hợp và các nguồn lực cho sự phát triển, quyết định đến hiệu quả và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Một thể chế tốt, chất lượng cao phải xác định đúng đắn mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội, theo đó: Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng; sử dụng nguồn lực của Nhà nước, các chính sách và công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân; bảo vệ môi trường; bảo đảm các dịch vụ công thiết yếu, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Khẳng định quyết tâm và tin tưởng vào thành công trong hội nhập quốc tế của đất nước

Đây là thông điệp quan trọng nhất trong bài viết của Thủ tướng.

Ký Hiệp định TPP là hội tụ kết quả không chỉ của quá trình 5 năm kiên trì đàm phán với tinh thần vừa hợp tác vừa đấu tranh, lấy lợi ích quốc gia dân tộc làm mục tiêu cao nhất, mà còn là thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng, được nhận thức đầy đủ hơn, được kiến giải sâu sắc  hơn và được khẳng định mạnh mẽ hơn qua những trải nghiệm rút ra từ thực tiễn hội nhập…

Việc chủ động tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là TPP với tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để vươn lên phát triển nhanh và bền vững, thể hiện bản lĩnh chính trị, tư duy sắc bén và tầm nhìn thời đại của Đảng và Nhà nước ta; khẳng định niềm tin vào ý chí, khả năng và sức mạnh của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam; đồng thời, là một bước tiến mới trong thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại một khu vực đang diễn ra cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.

Với tinh thần đó, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục nêu cao niềm tự hào dân tộc, chủ động đổi mới toàn diện, đồng bộ cả kinh tế và chính trị, xây dựng và triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chương trình hành động cụ thể của Chính phủ, các cấp các ngành và của cộng đồng doanh nghiệp, làm tốt công tác thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong nhận thức, thống nhất trong hành động hội nhập.

Đặc biệt, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao và cải thiện năng lực quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp; đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế; đảm bảo công khai, minh bạch hoạt động và cạnh tranh công bằng của doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác; khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên