Thông xe quốc lộ huyết mạch nối TPHCM- Lâm Đồng
Quốc lộ 20 (QL 20) hoàn thành không chỉ giảm được gần 3 giờ đồng hồ từ TPHCM đi Đà Lạt, Lâm Đồng mà việc về đích trước thời hạn 7 tháng còn tiếtkiệm được 1.200 tỷ đồng.
Sáng 28/4, Bộ GTVT đã tổ chức lễ thông xe 109,5km thuộc dự án khôi phục, cải tạo QL 20 đoạn từ Dầu Giây (Đồng Nai) đi Bảo Lộc (Lâm Đồng).
Báo cáo quá trình hoàn thiện dự án, ông Đỗ Ngọc Dũng, Tổng Giám đốc CTCP BT20-Cửu Long, chủ đầu tư dự án cho biết, dự án có điểm đầu là ngã tư Dầu Giây tại Km0 (huyện Thống Nhất) điểm cuối tại Km123+105 (TP Bảo Lộc), chiều dài tuyến 109,5km.
Tổng mức đầu tư của hợp đồng dự án là gần 5.265 tỷ đồng. Quy mô mặt cắt ngang là mặt đường 11m, nền đường 12m (với 2 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp). Dự án cũng xây dựng mới 4 cầu, trong đó có cầu La Ngà có chiều dài 330m.
Mặc dù công tác tổ chức thi công trên công trường có những khó khăn, thi công nửa mặt đường, trong khi lưu lượng tham gia giao thông dày đặc, thời tiết mưa nhiều, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT qua các đợt kiểm tra công trường nên dự án đã về đích sớm 7 tháng.
Việc sớm đưa vào khai thác, cùng với tuyến đường cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây đưa vào sử dụng đã rút ngắn thời gian lưu thông từ TPHCM đi Bảo Lộc từ 5 giờ đồng hồ xuống còn 3 giờ.
Việc rút ngắn tiến độ đã tiết kiệm được kinh phí, nhất là trượt giá. Hiện dự án còn dư khoảng 1.200 tỷ đồng (tương tương 60 triệu USD).
Trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, được sự cho phép của Bộ GTVT, nhà đầu tư đã trao đổi và được nhà tài trợ chấp thuận về nguyên tắc sử dụng phần vốn còn lại để đầu tư xây dựng Nút giao Dầu Giây có cầu vượt nhằm giảm ách tắc giao thông và xây dựng tuyến tránh TP Bảo Lộc nhằm giảm lưu lượng xe tải nặng vào trung tâm thành phố đô thị cấp III.
Lãnh đạo hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai bày tỏ vui mừng khi dự án QL 20 hoàn thành. Đây là tuyến QL huyết mạch nối TPHCM, Đồng Nai và Lâm Đồng với khu vực Tây Nguyên. Qua hơn 40 năm khai thác, QL 20 đã xuống cấp, có nơi là điểm đen gây mất ATGT, không đáp ứng được nhu cầu giao thông, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực.
Hai địa phương cảm ơn quyết định của Bộ GTVT về việc dùng vốn dư 60 triệu USD từ dự án để xây dựng đồng bộ nút giao Dầu Giây và tuyến tránh Bảo Lộc. Đồng Nai đề nghị nâng cấp thêm cầu La Ngà và một số cầu trên tuyến để đồng bộ với tuyến đường vừa cải tạo, khai khác hiệu quả kinh tế-xã hội trong vùng.