Thu cổ tức doanh nghiệp sẽ rất khó
"Theo tôi chúng ta đừng vì câu chuyện đang thiếu ngân sách mà từ chuyện này nhảy sang chuyện khác." - Trần Xuân Hòa- Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam.
Dự thảo nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 (Điều 2, Khoản 4) cho phép Chính phủ thu cổ tức tại các doanh nghiệp Nhà nước. Vấn đề này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, sản xuất của DN hay không, thưa ông?
Theo tôi hiểu thì Chính phủ trình và Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến thông qua để thu cả những phần lợi nhuận dành cho đầu tư ở các tập đoàn, các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên việc thu lại phần này sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của các tập đoàn, tổng công ty doanh nghiệp Nhà nước.
Thực tế Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch sản xuất hàng năm, 5 năm, thậm chí là 10 năm cho các DN này và có nhiều chương trình đã triển khai rồi. Đơn cử như TKV, năm nay, TKV làm hơn 40 triệu tấn than, đến 2015 là 50 triệu tấn, năm 2020 là 60 triệu tấn, và sau 2025 là 65 triệu tấn; rồi các dự án lớn đều đang “trông” vào nguồn than này như nhà máy điện Quỳnh Lưu (Nghệ An); Hải Phòng 3 (Hải Phòng) đều phải vào hoạt động giai đoạn 2020-2022.
Kể cả cảng nhập khẩu than phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện phía Nam. Như vậy vốn đầu tư là rất lớn. Tổng mức đầu tư các dự án này mỗi năm ước vào khoảng gần 40 nghìn tỷ đồng. TKV phải có vốn đối ứng, nếu chỉ 20% thôi, thì đã là 8.000 tỷ đồng. Với dự kiến bình quân lãi suất lợi nhuận hàng năm để lại thì chưa đáp ứng được 10%, bây giờ Chính phủ lại thu lại thì tiếp theo ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo các dự án đã được Chính phủ phê duyệt, thực hiện đúng tiến độ.
Tuy nhiên nếu các DN đều đưa ra khó khăn để không nộp thì rất khó cho Chính phủ trong việc cân đối thu - chi, thưa ông?
Theo tôi hiểu hiện cũng có những doanh nghiệp Nhà nước mà đã định hình sản xuất ổn định rồi, đối với các DN này mới có thể gọi là thu lợi tức. Chứ kế hoạch phát triển của DN, đã được Nhà nước cân đối kể cả vấn đề dùng vốn đối ứng thì không nên. Bởi vì nếu như vậy chắc phải thành lập đại tập đoàn, siêu tập đoàn. Và nếu quyết định thu về rồi thì ai xử lý dòng lưu thông của vốn.
Theo tôi chúng ta đừng vì câu chuyện đang thiếu ngân sách mà từ chuyện này nhảy sang chuyện khác. Tôi đề nghị vấn đề này không nên đưa vào trong dự thảo hoặc có chăng nữa thì cũng phải giải thích rõ những đơn vị nào đã có kế hoạch được Nhà nước giao thì không nên thu.
Còn việc giám sát không những chỉ Chính phủ mà Quốc hội tới đây cũng tăng cường giám sát các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Điều đó là quan trọng, chứ trong vấn đề kinh tế chúng ta không nên nhảy giật cục như thế, khiến các DN sẽ rất khó khăn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyễn Bảo