MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút đầu tư từ Nhật Bản: Giải phóng mặt bằng luôn là "khúc xương" khó nhằn

Thời gian gần đây, các DN Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH&ĐT) cho thấy tính đến hết tháng 10/2013, Nhật Bản có 2.072 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 33,665 tỷ USD, chiếm 13,4% tổng số dự án và 14,8% số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam. Với kết quả này, Nhật Bản là nhà đầu tư (NĐT) đứng đầu trong tổng số 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam.

10 tháng đầu năm 2013, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, song các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản vẫn đầu tư tới 4,842 tỷ USD, chiếm 25,2% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và xếp vị trí thứ 1 trong tổng số 52 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, các dự án đầu tư của Nhật Bản thường có số vốn lớn, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lĩnh vực công nghệ cao và có mức độ lan tỏa lớn như các dự án của Honda, Toyota, Canon...

Những "điểm cộng"

Theo ông Kohei Wantanabe - Chủ tịch Ủy ban Hợp tác kinh tế Mê Kông - Nhật Bản, thời gian gần đây, các DN Nhật Bản đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Với những nỗ lực đó, Việt Nam sẽ thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa vào năm 2020 để trở thành một nước công nghiệp. Đây là cơ hội lớn giúp các NĐT Nhật Bản mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Tiến - Phó vụ trưởng Vụ Đối ngoại (Bộ KH&ĐT), cho biết Nhật Bản hiện là quốc gia cung cấp viện trợ phát triển lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 30% tổng cam kết viện trợ của nước ngoài cho Việt Nam. Nhật Bản đã thực hiện nhiều loại hình viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam với tổng giá trị khoảng hơn 1,4 tỷ USD. Hiện nước này đang là nhà cung cấp ODA vốn vay song phương lớn nhất cho Việt Nam với tổng số tín dụng, bao gồm cả số đã cam kết cho đến nay là khoảng 22 tỷ USD. Mức viện trợ vốn vay ODA của Nhật Bản cho Việt Nam khoảng 200 tỷ Yên/năm.

Gs. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, cho rằng trước đây, Trung Quốc là điểm đến đầu tư hấp dẫn, song thời gian vừa qua, môi trường đầu tư tại Trung Quốc kém hấp dẫn hơn do người lao động đòi hỏi lương cao hơn, DN nội địa tại Trung Quốc đang lớn mạnh và cạnh tranh gay gắt với DN ngoại… Nhiều NĐT, trong đó có Nhật Bản sẽ chọn Việt Nam để đầu tư. Vì so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn với đội ngũ lao động dồi dào, chính trị - xã hội ổn định, hệ thống pháp luật về đầu tư ngày càng hoàn thiện… Đó là những "điểm cộng" khó bỏ qua đối với NĐT.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN Tp.HCM, hơn 60% số DN Nhật Bản đang kinh doanh tại Việt Nam làm ăn có lãi và đã lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh trong 1 - 2 năm tới. Đây là cơ hội để phía Việt Nam đón đầu xu hướng các DN Nhật Bản không chỉ mở rộng đầu tư mà còn lôi kéo các NĐT mới vào.

"Hạt sạn" giải ngân chậm

Từ lâu, việc giải ngân nguồn vốn ODA quá chậm đã trở thành một trong những "hạt sạn" khiến các nhà tài trợ cho Việt Nam không hài lòng. Dù đã được các ban ngành chức năng và cơ quan liên quan đôn đốc, tìm cách tháo gỡ nhưng đến thời điểm này, xem ra mọi nỗ lực vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân các dự án ODA giao thông có thể nói là muôn hình vạn trạng, khách quan có, chủ quan không ít. Tuy nhiên, nếu không có giải pháp triệt để và sự chung tay của các ngành, địa phương, xem ra câu chuyện này vẫn khó có hồi kết…

Với các dự án giao thông trong nhiều năm qua, giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn luôn là "khúc xương" khó nhằn và vướng mắc trường kỳ nhất. Điển hình phải kể tới cầu Nhật Tân: khởi công từ nhiều năm nay và đang ở giai đoạn nước rút nhưng cho đến nay vẫn chưa giải tỏa di dời được. Tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, cũng cần khoảng 300 triệu USD (trên 6.000 tỷ đồng) vốn đối ứng nhưng đến thời điểm này, Chính phủ mới có thể ứng trước khoảng 400 - 500 tỷ đồng để chi trả GPMB. Con số ít ỏi này khiến đối tác cung cấp vốn là ADB lo ngại về khả năng về đích đúng tiến độ.

Công tác quản lý kém xuất phát từ cả hai phía chủ đầu tư trong nước và các nhà tài trợ. Ts. Nguyễn Ngọc Long - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam, cho rằng nhiều chủ đầu tư chưa thể hiện được vai trò tích cực trong triển khai dự án dẫn đến tất cả các khâu từ chuẩn bị, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, thi công và nghiệm thu, bàn giao đều chậm. Bên cạnh đó, còn là những bất cập từ chính sách của các nhà tài trợ trong quy định về thanh quyết toán.

"Xây một ngôi nhà còn phải điều chỉnh đi điều chỉnh lại nhiều lần, đằng này cả dự án hàng nghìn tỷ đồng với rất nhiều hạng mục không điều chỉnh, bổ sung mới lạ. Tuy nhiên, khi điều chỉnh, các nhà tài trợ xử lý rất chậm", ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định để chậm trễ trong công tác giải ngân các dự án trước hết trách nhiệm thuộc về chính các chủ đầu tư, BQL dự án. Từ khâu chuẩn bị dự án, phối hợp GPMB đến thi công các dự án thời gian qua đều chưa thực hiện tốt. Trong lúc các nguồn vốn khó khăn, các dự án ODA và vốn của các nhà tài trợ nước ngoài giải ngân chậm là không thể chấp nhận được.

Theo Việt Nguyễn

thanhhuong

Thời báo kinh doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên