Thu hút nhiều không bằng lan toả bao nhiêu
Đã có một số ý kiến lo ngại hiện tượng FDI đang “ăn mày dĩ vãng” và có thể sẽ đến lúc gặp vấn đề với nguồn vốn này, khi dòng vốn chảy vào thực tế giảm xuống, hệ lụy từ nguồn vốn FDI đăng ký vào ít hơn hiện nay.
Tuy nhiên, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, hiện còn quá sớm để dựa vào hiện tượng này mà đánh giá thu hút FDI đang có trục trặc. Ông Thắng đưa ra nhiều phân tích cụ thể. Ví như, FDI 4 tháng vẫn tiếp tục nhịp điệu trong quý I/2015 và không có xáo trộn lớn, chưa kể còn có những dấu hiệu tích cực hơn. Cụ thể là vốn đăng ký mới đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng đáng kể so với quý I/2015 (chỉ đạt trên 1,8 tỷ USD).
Bên cạnh đó, số dự án cấp mới và tăng vốn đều tăng hơn so cùng kỳ 2014 (số dự án cấp mới tăng hơn 14,9%, số dự án tăng vốn tăng 19,3%). TS. Phan Hữu Thắng, nhận định lần đầu tiên có hiện tượng vốn giải ngân trong một kỳ cao hơn số vốn đăng ký mới. Trên thực tế, vốn giải ngân đến từ những dự án đang hoạt động, chỉ riêng phần giải ngân của hai dự án Formosa và Samsung để nhập khẩu máy móc, thiết bị đã lên tới hơn 1 tỷ USD.
Về thị trường, các đối tác lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản… vẫn ở vị trí dẫn đầu trong danh sách thu hút FDI. Đặc biệt có dự án lớn đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, là một địa bàn còn khá xa lạ với thị trường Việt Nam. Riêng dự án này có tổng vốn đầu tư đăng ký tới 660 triệu USD, trong khi toàn bộ thời gian trước đây, các dự án đến từ quốc gia này là 12 dự án, tổng vốn đầu tư không quá 100 triệu USD. Điều này cho thấy triển vọng tìm kiếm các bạn hàng mới là rất khả quan.
Ông Thắng cũng nhắc lại, mục tiêu quan trọng nhất trong thu hút FDI là số lượng vốn giải ngân thực tế được bao nhiêu, hàm lượng công nghệ của nguồn vốn này đạt được ở mức độ nào... chứ không phải chỉ đơn thuần nằm ở số vốn thu hút được. Số liệu 4 tháng 2015 cho thấy, vốn FDI giải ngân tăng 5% và theo đánh giá chung, các dự án thu hút được trong 4 tháng qua đã đáp ứng được các tiêu chí về mức độ tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ. Một số địa phương cũng đã mạnh dạn từ chối dự án FDI công nghệ thấp.
Còn về tổng thể, thực tế đầu tư nhiều năm cho thấy, mức thu hút FDI trong các tháng đầu hàng năm không cao bằng các tháng cuối năm (đặc biệt trong 2 quý cuối năm). Có nhiều năm, với 1 - 2 dự án có quy mô lớn ở mức 1 tỷ USD trở lên đã làm thay đổi cả các kết quả và nhiều nhận định về FDI trong năm đó.
Trong năm 2015 này, khả năng có nhiều biến động lớn về cấp phép cho một số dự án mới có quy mô lớn trong lĩnh vực năng lượng, hóa dầu (đây là các dự án đã được trao đổi, nghiên cứu giữa các đối tác liên quan từ 2014 trở về trước) và nhiều dự án có quy mô lớn mới khác đã được các NĐT nước ngoài đề xuất trong những tháng đầu 2015 (như 5 dự án của Tập đoàn Formosa đối với UBND tỉnh Quảng Bình về chăn nuôi, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, khách sạn - sân golf, chế biến quặng và gia công sản phẩm thép… với tổng số vốn dự kiến lên tới vài tỷ USD).
Với đặc điểm của nguồn vốn FDI là nguồn vốn tư nhân nên việc đánh giá về hiệu quả tác động của nó trong một quãng thời gian quá ngắn 4 tháng không thể toàn diện được, thậm chí với thời gian 1 năm cũng còn khó mà cần ít nhất trong một số năm. Bởi nguồn vốn này không nằm trong chương trình hợp tác - thỏa thuận hay cam kết đầu tư giữa các Chính phủ mà phụ thuộc vào tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới và môi trường đầu tư nước chủ nhà.
Cũng cần lưu ý thêm rằng, các chuyên gia gần đây đã có cảnh báo cần tập trung vào việc giải ngân các dự án đã được cấp phép và nâng cao khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư trong nước, thay vì chỉ tập trung vào công tác xúc tiến đầu tư. Hiện đã là giai đoạn mới trong thu hút và sử dụng nguồn vốn FDI chính xác hơn, hiệu quả hơn. Nhiều năm qua, mức chênh lệch giữa vốn FDI đăng ký và FDI giải ngân luôn ở trên mức 100 tỷ USD (tính đến 20/4/2015 tổng vốn FDI đăng ký đạt trên 255 tỷ USD, nhưng vốn FDI giải ngân mới dao động ở mức dưới 150 tỷ USD). Điều này cho thấy sức hấp thụ của nền kinh tế đối với nguồn vốn này vẫn chưa thực sự tốt, khiến một lượng lớn vốn còn ứ đọng lại.
Cải thiện các vấn đề này cũng sẽ tăng cường tính lan toả của nguồn vốn FDI đối với nền kinh tế, để DN tư nhân trong nước cùng hưởng lợi từ nguồn vốn này. Đây mới chính là vấn đề đáng quan ngại trong thời điểm hiện nay, theo nhiều chuyên gia kinh tế. Bởi lẽ nhìn cả trong ngắn hạn và những điều kiện trước mắt, lan toả của FDI vẫn chưa có nhiều cải thiện đáng kể.
>>>Financial Times: Dòng vốn FDI đang chảy mạnh vào ngành bán lẻ Việt Nam
Theo Ngọc Khanh
Thời báo ngân hàng