MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút ODA tại Việt Nam: Bài học từ những “góc tối”

Trong quan niệm của một số cơ quan thụ hưởng ODA ở cả trung ương lẫn địa phương vẫn còn tư tưởng "ODA thời bao cấp", coi "ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, ODA vốn vay là Chính phủ trả nợ"

Từ cuối năm 1993, sau khi nối lại quan hệ với cộng đồng tài chính quốc tế, Việt Nam đã khơi thông được kênh huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với nhiều quốc gia và các tổ chức tài chính quốc tế.

Không dễ để sử dụng vốn ODA hiệu quả!

Theo nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu, kinh nghiệm sử dụng ODA trên thế giới cho thấy, ODA không phải luôn luôn có hiệu quả đối với bất kỳ quốc gia nào, bất kỳ lĩnh vực nào.

Trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc và một số nước ASEAN đã sử dụng ODA có hiệu quả. ODA thành công ở các nước này do phát huy tính tự chủ cao, quản lý chặt chẽ và các cơ quan tiếp nhận ODA đủ năng lực quản lý.

Trong khi đó, vì nhiều lý do, trong đó có lý do huy động và sử dụng vốn ODA chưa tốt, nhiều quốc gia đã rơi vào tình trạng bất ổn định (như Trung quốc trong thập kỷ 70-80, Việt Nam trước năm 1990), thậm chí làm suy thoái nghiêm trọng nền kinh tế-xã hội (Argentina, Nigeria, Brazil, một số nước Châu Phi), tạo ra gánh nặng nợ nần khó trả cho một số nước, nhất là ở Châu Phi.

Đối với Việt Nam, mặc dù việc thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA trong 20 năm qua đã được thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước là ưu tiên sử dụng nguồn lực này để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, quá trình thu hút và sử dụng vốn ODA tại Việt Nam cũng đã bộc lộ một số tồn tại.

Thứ nhất, trong quan niệm của một số cơ quan thụ hưởng ODA cả ở trung ương lẫn địa phương vẫn còn tư tưởng "ODA thời bao cấp", coi "ODA không hoàn lại là Chính phủ cho, ODA vốn vay là Chính phủ trả nợ". Hậu quả của quan niệm sai lệch này là ra sức tranh thủ nguồn vốn ODA mà không tính toán hiệu quả kinh tế, tính bền vững.

Thứ hai, cơ chế chính sách quản lý Nhà nước về ODA chưa đồng bộ với nhau, thủ tục phê duyệt dự án còn rườm rà, bộ máy cồng kềnh, trách nhiệm của cấp thực hiện dự án không rõ ràng gây lãng phí, ách tắc, giảm tính linh hoạt trong quá trình triển khai, đồng thời không phân định được trách nhiệm của các đơn vị thực hiện.

Thứ ba, công tác chuẩn bị các chương trình, dự án để đăng ký sử dụng vốn còn sơ sài, chưa được kỹ, cốt sao được đưa vào danh mục yêu cầu tài trợ, thậm chí có một số trường hợp công tác chuẩn bị dự án phó mặc cho tư vấn nước ngoài, khi triển khai thực hiện gặp nhiều vướng mắc.

Thứ tư, công tác thẩm định và phê duyệt dự án còn bị kéo dài, có dự án kéo dài hàng năm, chất lượng thẩm định chưa cao, nhiều hạng mục được thẩm định lạc hậu so với tình hình mới, có nhiều dự án đã được phê duyệt khi thực hiện phải thẩm định lại hoặc thậm chí không hiệu quả.

Thứ năm, việc thẩm định và phê duyệt tổng dự toán, thiết kế kỹ thuật không chặt chẽ, với chất lượng không cao. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ chuyên môn của các cơ quan thẩm định hạn chế, hệ thống định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật chưa được thay đổi căn bản, sự phối hợp giữa các cơ quan thẩm định trong nước chưa đồng bộ.

Vẫn còn những "góc tối"…

Không thể phủ nhận thực tế trong những năm qua nguồn vốn ODA đã đóng góp phần rất quan trọng trong sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từ phát triển cơ sở hạ tầng, các lĩnh vực kinh tế chủ chốt như năng lượng, giao thông đến y tế, giáo dục; phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực con người, hoàn thiện hệ thống pháp lý...

Đến nay Việt Nam đã từ một nước nghèo vươn lên trở thành nước có thu nhập trung bình. Đó là một thành công lớn nhưng cũng dấy lên quan ngại trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ không còn được nhận các nguồn ODA dồi dào như trước.

Theo TS Nguyễn Thành Đô - Nguyên cục trưởng Cục quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), trong 20 năm qua, những dấu ấn trong việc huy động và sử dụng ODA của Việt Nam có thể thấy rõ trong mọi lĩnh vực đời sống.

“Cho đến nay Việt Nam được đánh giá là một mô hình thành công trong việc huy động và sử dụng ODA. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có những góc tối mà ta không thể không nói đến” – TS Đô chia sẻ.

Cụ thể, TS Nguyễn Thành Đô cho biết, Việt Nam đã có những chương trình, dự án ODA hoặc thất bại hoàn toàn hoặc không đạt hiệu quả như mong muốn.

Chẳng hạn như dự án trích dầu cám ở Bến Tre, dự án dây chuyền dệt bao đay ở TP.Hồ Chí Minh, vay vốn ODA Ấn Độ, vì công nghệ lạc hậu, không có nguyên liệu và không có nơi tiêu thụ sản phẩm nên sau khi bàn giao hoàn toàn không vận hành được.

Dự án nhà máy thủy sản đông lạnh Hạ Long, vay vốn ODA Italia nhưng không thể hoạt động do thiếu nguyên liệu. Hay chương trình phát triển dâu tơ tằm ở Lâm Đồng, vay vốn ODA Italia nhưng thất bại do sản phẩm không cạnh tranh được trên thị trường…

Vị chuyên gia đến từ Bộ Tài chính lý giải, các dự án thất bại nói trên đều là các dự án ODA thực hiện theo cơ chế vay về cho vay lại. Theo cơ chế này, khi dự án không trả được nợ chúng ta thấy rõ và thừa nhận đó là dự án thất bại.

“Tuy nhiên trong số các dự án ODA, có tới 70% là các dự án thực hiện theo cơ chế cấp phát từ ngân sách. Đối với các dự án này hầu như chưa có đánh giá về các mặt thất bại, trừ việc ở một vài dự án có phát hiện ra sai sót hoặc biểu hiện tiêu cực” – TS Nguyễn Thành Đô nhận định.

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên