MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng: Không thể chủ quan với lạm phát năm 2016

Thủ tướng yêu cầu trước hết phải kiểm soát tốt lạm phát, không chủ quan với lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định của nền kinh tế.

Đó là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra trong Hội nghị “Chính phủ với các địa phương” sáng ngày 29/12.

Cho rằng năm 2015 là một năm có ý nghĩa quan trọng khi kết thúc kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, Thủ tướng cho rằng nền kinh tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song cũng phải đối mặt với những diễn biến khó lường và không thuận lợi của thế giới. Đó là việc kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo, giá dầu giảm sâu tới mức không lường trước được, đồng NDT giảm giá đột ngột…

Ba vấn đề còn tồn tại của nền kinh tế

Trong khi đó, nền kinh tế trong nước còn nhiều yếu kém khó khăn. Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra ba vấn đề còn tồn tại trong nền kinh tế, mà trước hết là áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi Việt Nam hội nhập sâu rộng.

“Chúng ta hội nhập sâu, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong kinh tế thị trường, nền kinh tế của ta đang mở và hội nhập sâu, năng lực cạnh tranh có cải thiện lên nhưng so với yêu cầu và mong muốn thì còn thấp” – Thủ tướng chỉ ra.

Thứ hai là nhu cầu cho đầu tư phát triển lớn nhưng nguồn lực hạn hẹp khi ngân sách quốc gia còn hạn hẹp. Cơ chế huy động nguồn lực ngoài Nhà nước chưa đủ mạnh nên chưa đủ nguồn cho đầu tư.

Ngoài ra, công tác điều hành mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn hạn chế. Do đó, Thủ tướng cho rằng mặc dù nền kinh tế xã hội đã đạt được chuyển biến tích cực, với những kết quả quan trọng trên hầu hết lĩnh vực, làm tiền đề cho giai đoạn tới, song cũng không nên chủ quan bởi vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém.

Nhiệm vụ trong năm 2016, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới và cạnh tranh ngày càng lớn hơn, đặc biệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN hình thành và việc đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA), Việt Nam đã làm đối tác với 55 quốc gia trên thế giới.

“Đây là xu thế của thế giới mà ta không thể đứng ngoài được. Vừa hợp tác và cạnh tranh được, hội nhập sâu đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị và an ninh thế giới diễn biến phức tạp và khó lường, như giá dầu, giảm giá đồng NDT, tình hình diễn biến phức tạp biển Đông, nên trong báo cáo cáo cần phải làm rõ đặc điểm tình hình mới” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu trước hết phải kiểm soát tốt lạm phát, không chủ quan với lạm phát và đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường tính ổn định của nền kinh tế. Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đó là tập trung hoàn thiện thể chế, đột phá nguồn nhân lực và xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm là doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công và hệ thống ngân hàng thương mại, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng...

Tạo cơ chế để thu hút nguồn lực bên ngoài

Theo Thủ tướng, thủ tục đầu tư kinh doanh hiện còn nhiều vướng mắc, nên cần phải phấn đấu nằm trong nhóm ASEAN 6 mà phải là nhóm đầu, nên cần phải đột phá thể chế. Do đó, cần phải phát triển hiệu quả đầu tư và tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân làm ăn sinh sống.

“Thể chế quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia, nước nào thể chế tốt thì thu hút đầu tư tốt, nên phải đột phá hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, đột phá xây dựng hạ tầng” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong xây dựng kết cấu hạ tầng, Thủ tướng yêu cầu cần phải tạo ra thể chế để thu hút đầu tư từ bên ngoài. Hiện nay vốn ODA đã giảm, Việt Nam được xếp vào nhóm nước đang phát triển nên muốn xây dựng hạ tầng đồng bộ thì phải nhìn vào nguồn lực xã hội trong và ngoài nước. Ngoài ra, cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, Thủ tướng yêu cầu từng ngành và địa phương bám sát tái cơ cấu đầu tư công để nâng cao hiệu quả và chặt chẽ hơn, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia. Thủ tướng nhấn mạnh, thông qua việc quản lý và sử dụng nợ công, song song với tái cơ cấu đầu tư công thì phải có chính sách để tăng tỷ lệ đầu tư toàn xã hội.

Hoạt động tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng cần phải thực hiện có hiệu quả, tập trung ở lĩnh vực không cần Nhà nước chi phối vốn. Đối với cổ phần hóa các nông lâm trường quốc doanh, Thủ tướng cũng yêu cầu phải lên phương án triển khai từng nông lâm trường theo đúng tinh thần mà Nghị quyết Bộ chính trị đã đưa ra.

Theo Thủ tướng, hoạt động tái cơ cấu đổi mới phải theo kinh tế thị trường. Do đó, các dịch vụ công thì sẽ tiến tới tính đúng tính đủ, song cũng phải có chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc, đồng bào nghèo. Thủ tướng nhấn mạnh cần phải rà soát lại các đơn vị sự nghiệp công lập để nâng cao chất lượng sự nghiệp và kiểm soát tốt biên chế.

Năm 2016 Nghị quyết của Quốc hội đặt ra mục tiêu là tăng trưởng cao hơn 2015, với 6,7%, song Thủ tướng yêu cầu cần phải có tinh thần phấn đấu cao hơn. Do đó, cần phải tập trung quyết liệt, tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh, tăng số lượng và nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

PV

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên