MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thừa 7.000 ôtô công, đem ra đấu giá

Đây là thông tin mà ông Trần Đức Thắng - Cục trưởng Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) trao đổi với PV chiều 27/10.

Tuy nhiên, ông Thắng cho biết 7.000 xe công là con số mà Bộ Tài chính tính toán sẽ “thừa” ra sau khi quy định về quản lý xe công theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực.

Đấu giá chỉ là 1 trong những hình thức xử lý số xe thừa này, nên có thể số xe được đưa ra đấu giá chỉ là 1 phần trong 7.000 chiếc xe nói trên.

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết cả nước hiện có gần 40.000 xe ôtô công, chưa bao gồm xe tại các đơn vị vũ trang, doanh nghiệp Nhà nước.

Chi phí sử dụng một xe công trung bình khoảng 320 triệu đồng mỗi năm (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu,... ).

Theo tính toán, ước tính mỗi năm, chi phí để nuôi xe công có thể ngốn 12.800 tỷ đồng- mức chi như vậy trong cảnh ngân sách còn khó khăn là chưa phù hợp.

Đấy là chưa kể, tình trạng sử dụng xe công sai mục đích, sử dụng lãng phí còn tràn lan khắp nơi.

Bởi vậy, Quyết định 32 có hiệu lực từ ngày 21/9/2015, được đánh giá là một quy định tích cực giúp giảm số lượng, giảm tình trạng sử dụng xe công lãng phí.

Theo đó, Quyết định 32 quy định tất cả được thống nhất định mức từ 1 đến 2 xe/đơn vị cho tất cả các cơ quan, đơn vị. Với định mức “cứng” này, nhiều cơ quan, đơn vị sẽ phải giảm đầu xe, từ 24.460 xe đang được phục vụ công tác, có thể sẽ giảm 7.000 chiếc.

Việc này giúp ngân sách mỗi năm sẽ tiết kiệm được khoảng 500 tỷ đồng tiền mua xe thay thế, chưa tính chi phí vận hành trong quá trình sử dụng.

Quy định này được đánh giá là phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong quản lý tài sản công (trong đó có xe ô tô công) là tiến tới giảm dần việc trang bị hiện vật và chuyển sang cơ chế thuê/khoán.

Đây là xu hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả, tiết kiệm mà nhiều nước đang áp dụng.

Vậy, 7.000 xe công khi thừa ra sẽ giải quyết như thế nào?

Theo ông Thắng, điều này còn tùy theo báo cáo của các cơ quan đơn vị, để xác định số thừa theo mức độ nào, cũ mới ra sao thì mới xử lý theo 2 cách. Một là điều chuyển từ chỗ thừa sang chỗ thiếu.

Còn dư ra bao nhiêu thì sẽ đem bán đấu giá bằng hình thức định giá sàn. Giá bán sẽ tùy vào chất lượng xe nên không thể ước lường được.

Đáng chú ý, biển số xe khi chuyển sang chủ mới là tư nhân thì sẽ thay bằng biển trắng phổ thông bình thường. Toàn bộ tiền đấu giá bán xe sẽ được nộp vào ngân sách nhà nước.

PV

Theo Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên