MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thuế, phí “ngốn” gần 50% lợi nhuận, làm sao doanh nghiệp lớn lên được?

Doanh nghiệp Việt Nam phải đóng góp tới hơn 40% lợi nhuận cho các loại thuế, phí. Trong khi trung bình ở các nước ASEAN là 17% thuế thu nhập doanh nghiệp...

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Nhận định về thực trạng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khu vực tư nhân trong nước dường như không lớn lên được.

“Số lượng doanh nghiệp tăng nhưng quy mô cứ nhỏ dần, thậm chí nhỏ li ti. Tăng trưởng số lượng doanh nghiệp qua các năm ở Việt Nam gần đây có sự trồi sụt dữ dội. Nhiều doanh nghiệp năm trước đăng ký thành lập, năm sau đã đóng cửa. Doanh nghiệp muốn tồn tại, hoạt động còn nhiều khó khăn” – bà Lan cho biết.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm 2012 cả nước có 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, tạo 7,8 triệu việc làm phi nông nghiệp, tương đương 35% số lượng việc làm phi nông nghiệp.

Như vậy, toàn bộ khu vực tư nhân (kể các các doanh nghiệp ngoài nhà nước và khu vực hộ kinh doanh cá thể) tạo ra 14,5 triệu việc làm, chiếm 76,7 % việc làm phi nông nghiệp hiện nay.

Bên cạnh đó, có tới 1,25 triệu hộ có đăng ký kinh doanh hoặc có mã số thuế, chiếm 27%. Trên thực tế các hộ kinh doanh cá thể này hoạt động gần như doanh nghiệp, quy mô nhỏ, nhiều hạn chế trong việc tiếp cận các nguồn lực cũng như tăng năng suất lao động.

Đồng thời, vị chuyên gia này cũng cho rằng, năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp tư nhân còn thấp. Vốn đầu tư của doanh nghiệp đổ nhiều vào các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, xây dựng trong khi những ngành khác như công nghiệp, dệt may… bị thiếu vốn.

Quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam ít gắn kết vào chuỗi giá trị. Hợp tác kinh doanh ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng (29,5%) và trong khâu sản xuất hàng hóa và dịch vụ (24,8%). Khâu phát triển sản phẩm mới ít có sự hợp tác nhất.

Mối liên kết ngược và liên kết xuôi hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan toả của các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ các sản phẩm được mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm khoảng 26,6% tổng giá trị đầu vào của doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với 60% ở Malaysia hay Thái Lan. 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia.

“Điều này khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam ít có khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI qua chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Ngoài ra, vị chuyên này cũng cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều trở ngại đối với sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân.

Theo báo cáo của World Bank, trong năm qua môi trường kinh doanh Việt Nam có vài mặt được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn còn khá thấp. Hơn 90 nghìn doanh nghiệp hình thành nhưng chỉ hoạt động thông qua mua đi bán lại thì mới chỉ là phát triển về số lượng, chất lượng chưa có, khoa học công nghệ còn yếu kém.

“Doanh nghiệp Việt Nam phải đóng góp tới hơn 40% lợi nhuận cho các loại thuế, phí là quá cao. Trong khi trung bình ở các nước ASEAN là 17% thuế thu nhập doanh nghiệp, mình gấp đôi họ như thế thì lấy đâu ra động lực, phần dôi dư để họ tái đầu tư, để lớn lên” – bà Lan lo ngại.

Lam Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên