Tiền lương tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu gần 1 triệu đồng
Theo kết quả khảo sát mức lương của người lao động năm 2015 do Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam công bố ngày 13/8, dường như người lao động Việt Nam đang “chi quá tay”.
- 13-08-2015Có tới 34% công nhân không hài lòng về tiền lương và việc làm
- 20-07-2015Tiền lương đã được trả đúng, trả đủ?
- 12-07-2015Tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH được xác định thế nào?
“Chi quá tay”
Ông Đặng Quang Hợp, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Viện Công nhân Công đoàn cho biết, theo kết quả khảo sát về tiền lương 2015, tiền lương trung bình (theo thời gian và khoán sản phẩm theo giờ chuẩn quy định) đang được các doanh nghiệp trả là 3,817 triệu đồng/người/tháng.
Trong đó cao nhất là lương của người lao động ở vùng 1 với mức lương 4,369 triệu đồng/người/tháng. Thấp nhất là vùng 4 với mức lương lương 3,225 triệu đồng/người/tháng.
Trong khi đó, kết quả khảo sát về mức sống tối thiểu vùng của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2015 cho thấy, mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con) tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát là 4,247 triệu đồng/tháng, tăng 3,6% so với năm 2014.
Trong đó, vùng I là 4,910 triệu đồng; vùng II là 4,290 triệu đồng; vùng III là 3,950 triệu đồng và vùng IV là 3,510 triệu đồng.
So sánh giữa thu nhập và chi tiêu, người lao động cho biết, cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn khi tiền lương tối thiểu đang thấp hơn mức sống tối thiểu gần 1 triệu đồng.
Kết quả khảo sát cho thấy, 19,9% người lao động có thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống; chỉ có 8% cho biết “có dư dật và có tích luỹ”.
Bên cạnh đó, do phải chi rất nhiều khoản nên có 62,2% người lao động không có tiền tiết kiệm; 37,8% có tiền tiết kiệm, nhưng số tiền không cao. Cụ thể, mức tiết kiệm hàng tháng của người lao động dưới 500.000 đồng là 10,7%; từ 500.000 - 1 triệu đồng là 10,2%; từ 1 - 2 triệu đồng là 7,4%; từ 2 – 3 triệu đồng là 4,2% và trên 3 triệu đồng/tháng là 4,9%.
Về mức độ hài lòng với việc làm và thu nhập hiện tại, có 34% người lao động không hài lòng; 51,2 % tạm hài lòng và chỉ có 14,9% hài lòng.
Mức sống tối thiểu: Thế nào là đủ?
Theo kết quả xử lý phiếu hỏi của nhóm khảo sát, mức sống tối thiểu của người lao động năm 2015 theo vùng như sau, vùng I là 4,006 triệu đồng; vùng II là 3,457 triệu đồng; vùng III là 3,003 triệu đồng; vùng IV là 2,793 triệu đồng
Căn cứ vào dự báo mức tăng CPI trung bình các năm 2015 – 2016 khoảng 5%/năm, chưa tính đến các yếu tố tăng trưởng kinh tế, thì nhu cầu mức sống tối thiểu của người lao động từ năm 2016 đến 2017 dự kiến như sau:
Năm 2016: vùng I là 4,200 triệu đồng; vùng II là 3,630 triệu đồng; vùng III là 3,159 triệu đồng và vùng IV là 2,900 triệu đồng.
Năm 2017: vùng I là 4,400 triệu đồng; vùng II là 3,800 triệu đồng; vùng III là 3,300 triệu đồng và vùng IV là 3,080 triệu đồng.
Do vậy, Tổng liên đoàn lao động đề xuất mức lương tối thiểu vùng năm 2016 từ 350.000 - 550.000 đồng để đáp ứng 89% mức sống tối thiểu của người lao động. Theo lộ trình, đến 2017 mới đáp ứng được 100%.