MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiềm năng của du lịch Việt Nam không phải là "sex, shopping..."

Tiềm năng của Việt Nam là du lịch sống (trải nghiệm), du lịch sinh thái, an dưỡng… Ngoài ra, Việt Nam còn một mặt rất mạnh mà nếu có thể triển khai thì cũng rất hay, đó là du lịch tâm linh.

Báo cáo “Đánh giá tiềm năng xuất khẩu” vừa được Cục xúc tiến thương mại (Bộ công thương) công bố, nhận xét về ngành du lịch Việt Nam là “một trong những dịch vụ đang có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhưng bắt đầu đến điểm chuyển tiếp giữa yêu cầu tăng về lượng sang tăng về chất”.

Theo số liệu được cung cấp, tăng trưởng giá trị xuất khẩu của ngành du lịch Việt Nam giai đoạn 2008 – 2012 đạt 17,85%. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng so với mức tăng chưa tới 3% của du lịch toàn thế giới. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch đạt 6,83 tỷ USD – chiếm gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ thương mại Việt Nam.

Trên thị trường thế giới, Việt Nam đang có thị phần 0,63% với mức doanh thu năm 2012 là 6.830 tỷ. Các chuyên gia của Bộ công thương dự báo mức tăng trưởng trong những năm tới có thể đạt tốc độ 3,3%, vươn đến con số 1,8 tỷ lượt khách vào năm 2030 với nhiều nhu cầu mới và đa dạng cả về sản phẩm du lịch như du lịch vì sức khỏe, nhu cầu mới về phương thức chăm sóc khách hàng.

Diễn đàn kinh tế thế giới xếp Việt Nam ở vị trí 80/140 về chỉ số cạnh tranh ngành du lịch năm 2013 trên thị trường thế giới, xếp thứ 16/25 trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trong đó, tài nguyên văn hóa, tự nhiên và con người là những thế mạnh nhưng cơ sở hạ tầng, liên kết chuỗi là những yếu tố còn cần được cải thiện hơn nữa.

Chính điều này đã khiến cho mức chi tiêu của khách du lịch tại Việt Nam dù tăng nhưng tăng chậm và ở mức thấp: 105 USD/ngày, chủ yếu cho ăn uống và đi lại. Quan trọng hơn là thời gian lưu trú của khách ngắn và tỷ lệ quay lại thấp.

Bên cạnh đó, mỗi vùng Bắc, Trung, Nam đang có những cách thức phát triển du lịch khác biệt.

Du lịch miền Bắc: khách nhiều nhưng tiêu ít

Đánh giá riêng về du lịch miền Bắc, các chuyên gia cho rằng miền này có tiềm năng du lịch to lớn với các điểm đến hấp dẫn như Vịnh Hạ Long, Sapa, Tràng An (Ninh Bình)… Khách du lịch quốc tế đến miền Bắc tăng trung bình 9,9%/năm trong giai đoạn 2006 – 2012. Năm 2012, lượng khách quốc tế đến miền Bắc đạt 7,34 triệu lượt, lớn hơn so với miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, doanh thu từ du lịch của khách quốc tế ở miền Bắc lại thấp hơn, hay nói cách khác, chất lượng dịch vụ và khả năng thu hút chi tiêu đối với khách du lịch quốc tế ở miền Bắc thấp.

Dịch vụ ăn uống đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu dịch vụ du lịch miền bắc. Nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú và thu hút nhưng miền Bắc chưa xây dựng được thương hiệu cho các món ăn đặc sắc của vùng và chưa hấp dẫn được khách quốc tế. Khẩu vị món ăn còn thuần túy địa phương, chưa cải thiện phù hợp với khẩu vị của khách quốc tế, đặc biệt ở những tỉnh vùng cao.

Về hạ tầng du lịch, báo cáo nhận xét cơ sở lưu trú ở miền Bắc dù nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao. Số khách sạn 3 sao trở lên ở miền Bắc chỉ chiếm 23% tổng số khách sạn 3 sao trở lên của cả nước.

Chất lượng của hướng dẫn viên chưa cao cũng ảnh hưởng đến kết quả dịch vụ du lịch miền Bắc. Theo đánh giá chung, mức độ chuyên nghiệp của các hướng dẫn viên còn thấp, thiếu các ngôn ngữ hiếm, thiếu hướng dẫn viên có chứng chỉ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Theo Tổng cục du lịch, toàn miền Bắc có 657 doanh nghiệp lữ hành quốc tế - chiếm 49,8% tổng số doanh nghiệp lữ hành cả nước và nhiều gấp 4 lần số doanh nghiệp lữ hành quốc tế của miền Trung. Tuy nhiên đa số các công ty lữ hành đều là công ty tư nhân quy mô nhỏ, hoạt động theo kiểu vệ tin cho các công ty lữ hành lớn. Doanh thu kinh doanh lữ hành quốc tế miền Bắc hiện nay không cao do chủ yếu thu từ các chương trình du lịch trọn gói.

Du lịch miền Trung: làng nghề là sản phẩm tối ưu nhất để phát triển du lịch bền vững

Tại miền Trung, giá trị xuất khẩu du lịch năm 2012 đạt gần 1,7 tỷ USD – chếm 0,16% thị phần thế giới. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân ngành du lịch miền Trung giai đoạn 2010 – 2012 là 28,23% - cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung của cả nước.

Tuy có tiềm năng cao nhưng xuất khẩu du lịch miền Trung còn gặp nhiều trở ngại như sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng hướng dẫn viên chưa đảm bảo, ứng dụng công nghệ trong quản lý và quảng bá, tiếp thị còn yếu, mối liên kết trong ngành chưa tốt… Ngoài ra, du lịch miền Trung chỉ tập trung tại 5 tỉnh là Quảng Nam (Hội An), Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa và Bình Thuận. Hiện có sự tăng trưởng đáng khích lệ đối với xu hướng du lịch tàu biển. Riêng quý I/2014, cảng Đà Nẵng đã đón 72 lượt tàu khách với khoảng 53.000 khách du lịch.

Tại thị trường này, các chuyên gia nhận xét các làng nghề tổ chức và hoạt động nhỏ lẻ, manh mún, lạc hậu trong khi làng nghề là sản phẩm tối ưu nhất để phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, điểm yếu nhất của tất cả sản phẩm thủ công truyền thống là giá cao trong khi tính thẩm mỹ thấp.

Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị nên quy hoạch lại các làng nghề truyền thống phát triển sản phẩm du lịch làng nghề, cải thiện sản xuất các sản phẩm thủ công phục vụ khách du lịch quốc tế tại Nha Trang, Hội An, Đà nẵng, Huế; cứu nguy các làng nghề truyền thống và cộng đồng Cơ – tu, Chăm với sản phẩm dệt tay. Đồng thời nâng cao năng lực thiết kế, sản xuất, tiếp cận thị trường và quản lý cho các cơ sở tiêu biểu của làng nghề.

Du lịch Tây Nam Bộ: nên tập trung vào du lịch khám phá

Miền Tây Nam Bộ là khu vực không có nhiều tài nguyên du lịch, chủ yếu là du lịch khám phá. Năm 2012, xuất khẩu du lịch của vùng đạt 1.226 triệu USD nhưng chất lượng dịch vụ không cao, điểm đến không hấp dẫn, hạ tầng phục vụ du lịch kém. Ngoài ra, việc quảng bá du lịch còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị vùng này cần kêu gọi đầu tư vào xây dựng khách sạn cao cấp, xây dựng khu vui chơi giải trí, tăng cường liên kết quảng bá nông sản và hàng thủ công mỹ nghệ của vùng cho khách du lịch.

Tiềm năng của du lịch Việt Nam là gì?

Các chuyên gia đánh giá, xuất khẩu của dịch vụ du lịch có tiềm năng lớn. Trong thời gian tới cần chú trọng hơn tới xu thế du lịch vì sức khỏe, vì xu hướng này hiện chưa được nhìn nhận một cách thích đáng trong các chiến lược phát triển du lịch của tỉnh, vùng và cả nước. Bên cạnh đó, năng lực tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp, cơ quan xúc tiến du lịch bằng các công cụ cập nhật theo đời sống hiện đại cũng cần được nâng cấp, sử dụng các mạng mobile, mạng xã hội như Facebook, Twitter…

Theo đó cần đẩy mạnh liên kết vùng theo chuỗi cung ứng, hình thành các mô hình giúp phát triển sản phẩm du lịch mới: du lịch văn hóa, du lịch chăm sóc sức khỏe cá nhân, du lịch MICE, du lịch tàu biển, định vị du lịch cho từng khu vực.

Riêng chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, tiềm năng của du lịch Việt Nam không phải là du lịch truyền thống, tức kiểu “shopping, sex, sea – sand – sun” mà tiềm năng của Việt Nam nằm ở xu thế của thời đại mới là du lịch sống (trải nghiệm), du lịch sinh thái, an dưỡng… bởi vì đó là những cái mà Việt Nam có điểm mạnh dựa trên tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Rất tiếc, bất động sản hiện nay đang phát triển theo hướng phục vụ cho du lịch truyền thống. Ngoài ra, chuyên gia nói vui rằng Việt Nam còn có một mặt rất mạnh mà nếu có thể triển khai thì cũng rất hay, đó là du lịch tâm linh.

Song, dẫn chứng từ Quảng Ninh – thành phố du lịch của miền Bắc, chuyên gia cho biết du lịch chỉ đóng góp 3% vào GDP của tỉnh Quảng Ninh vì giá trị gia tăng tạo ra đều thuộc về các doanh nghiệp tại Hà Nội và một số tỉnh khác. Vì vậy, để phát triển ngành du lịch Việt Nam cạnh tranh được với các quốc gia khác, cũng cần trả lời câu hỏi: ai đang chi phối khâu nào trong chuỗi giá trị du lịch? Từ đó mới chọn được mũi nhọn để mà phát triển.

>> Doanh thu du lịch Việt Nam đạt 7,5 tỉ USD

Hồng Hà

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên