Tìm cách chủ động nguồn nguyên liệu
Năm 2013, NK hàng hoá của Việt Nam từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh (tăng 28,4% so với 2012), đạt trị giá là 36,8 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch NK của cả nước.
Không phải không có cách
Nói DN chủ động nguồn nguyên phụ liệu, chính xác là chủ động nguyên phụ liệu từ Trung Quốc, bởi trong kim ngạch NK từ Trung Quốc, nguyên vật liệu, các thành phẩm trong các lĩnh vực linh kiện điện thoại di động, phụ kiện cho dệt may da giày, các trang thiết bị cho nhà máy điện… chiếm một tỷ lệ lớn. Năm 2013, NK hàng hoá của Việt Nam từ Trung Quốc tăng trưởng mạnh (tăng 28,4% so với 2012), đạt trị giá là 36,8 tỷ USD, chiếm 28% tổng kim ngạch NK của cả nước.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xu hướng này tiếp tục tăng trong 4 tháng đầu năm 2014. 4 tháng qua, Việt Nam NK từ Trung Quốc hơn 12,45 tỷ USD (chiếm 28% tổng kim ngạch NK 4 tháng của cả nước). Trong đó, chiếm tới 2,3 tỷ USD là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; 2 tỷ USD là nhóm nguyên vật liệu dệt may, da, giày; 1,29 triệu tấn sắt thép các loại…
Đưa ra định hướng cho DN trong nhiều năm trước, các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị về một sự tự chủ trước hết để ổn định và phát triển sản xuất, tiếp đó là một bước chuyển không thể thiếu khi Việt Nam đang trước thềm TPP. Khi xảy ra vấn đề Biển Đông, sự chủ động về nguồn nguyên liệu được đặt ra cần thiết hơn bao giờ hết. Bình luận về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương đã khuyến cáo các DN nhìn nhận vấn đề một cách khách quan cũng như cần tính toán trước các bước đi của phía đối tác Trung Quốc. Trong đó, phải tính đến khả năng Trung Quốc ngừng XK và cũng ngừng NK từ nước ta. Nếu Trung Quốc ngừng quan hệ thương mại với Việt Nam thì tác động đến nền kinh tế của Việt Nam khá lớn bởi hiện DN Việt Nam đang NK và cả XK nhiều sang Trung Quốc.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, nhiều ủy viên Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đều cho rằng “trong họa có phúc”. Việt Nam hiện giao lưu thương mại với hơn 200 nước trên thế giới nên các sản phẩm chúng ta nhập của Trung Quốc không phải là không thay thế được. Đây chính là cơ hội để DN Việt Nam tìm đến các thị trường mới có nguyên liệu thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc. Ngoài ra, theo ông Lê Hữu Đức, Ủy viên Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, để giảm thiểu sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, phải đẩy mạnh hơn nữa việc người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, khuyến khích sản xuất trong nước.
Đa dạng thị trường
Để đẩy nhanh việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc, từ giữa tháng 5-2014, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn gửi các DN trong ngành chủ động tìm các thị trường tiềm năng khác để NK, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc. Trong đó khuyến cáo DN có thể NK xơ từ Thái Lan, Hàn Quốc và Indonesia; sợi từ thị trường Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ; vải từ thị trường Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia… Hiệp hội cũng cho biết sẽ nghiên cứu để đưa ra những chính sách hỗ trợ DN giảm sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.
Theo nhiều DN dệt may, lượng nguyên liệu phải NK từ thị trường này chiếm từ 50- 70% tổng số nguyên phụ liệu để sản xuất. Do đó, các DN đang thăm dò đối tác tại Malaysia, thị trường có thể nói là phù hợp nhất về giá cả trong 12 thành viên TPP để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu. Đây là giải pháp của những DN đang có thị trường XK là những nước thuộc thành viên của TPP như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada… Còn đối với những DN khác cũng đang xây dựng kế hoạch giảm nguồn nguyên liệu Trung Quốc thay vào đó là nguồn nguyên liệu trong nước theo lộ trình phù hợp với tiến độ của các nhà máy xơ sợi và khu nguyên liệu bông do Tập đoàn Dệt may khởi công trong thời gian vừa qua.
Với những DN thuộc lĩnh vực khác cũng đang có sự thay đổi khi hiện nay thuế NK từ các nước ASEAN là 0% nên nhiều DN đã tăng nhập nguyên liệu từ khu vực này thay vì từ Trung Quốc hiện chịu mức thuế 5%. Ngoài ra, nhiều DN còn chủ động đầu tư sang Lào, Campuchia trồng các vùng nguyên phụ liệu rồi nhập về Việt Nam nhằm hoàn thiện quy trình sản xuất. Rõ ràng, việc chủ động và đa dạng nguồn nguyên liệu là việc không thể không thực hiện. Càng làm sớm DN càng nhanh chóng hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh.