MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Tôi rất tâm tư mỗi khi đọc tin lại có nông dân bỏ ruộng"

TS. Bùi Sỹ Lợi cho biết, ông rất tâm tư mỗi khi đọc được thông tin lại có thêm nông dân bỏ ruộng.

Khi ruộng đất là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất chủ yếu của người lao động, trong khi chúng ta đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai thì xuất hiện tình trạng bỏ ruộng hoang. Thật là xót thay cho cuộc sống mưu sinh của người nông dân.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

Thưa ông, gần đây có thông tin về tình trạng nông dân bỏ ruộng, ông đã từng nghe thấy điều này từ những cơ quan chức năng?

Về vấn đề nông dân bỏ ruộng đang hiện hữu trong nông thôn Việt Nam những năm gần đây. Nhưng đến nay tôi chưa được nghe thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng.

Thực trạng này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội do hiện tượng “được mùa rớt giá, được giá mất mùa” làm cho giá trị ngày công trong nông nghiệp không cao.

Ông đón nhận những thông tin này với cảm xúc thế nào?

Tôi rất tâm tư mỗi khi đọc được thông tin lại có thêm nông dân bỏ ruộng. Khi ruộng đất là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất chủ yếu của người lao động, trong khi chúng ta đang xem xét sửa đổi Luật Đất đai thì xuất hiện tình trạng bỏ ruộng hoang. Thật là xót thay cho cuộc sống mưu sinh của người nông dân.

Mấy năm qua, khi kinh tế suy giảm, khu vực nông nghiệp, nông thôn đã trở thành “bệ đỡ” cho tăng trưởng kinh tế, là nơi thu hút lao động mất việc làm từ khu vực công nghiệp và đô thị. Mặc dù, được đánh giá vị thế như vậy, nhưng nông nghiệp Việt Nam lại đang bước vào giai đoạn cực kỳ khó khăn khi giá các loại nông sản đồng loạt giảm. Nhiều nông dân buộc phải bỏ nghề đi nơi khác kiếm sống.

Trong khi, lời giải cho bài toán đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, vẫn chưa tìm được đáp án thoả đáng.

Thưa ông, lý do nào gây nên hiện tượng nông dân bỏ ruộng, rời xa nguồn sống của mình?

Như tôi đã nói đó là do giá nông sản quá thấp. Đây là vấn đề có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Nhà nước chưa có quy hoạch một cách tổng thể phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, thiếu chính sách cụ thể và định hướng cho nông dân trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nông dân thì chưa đủ năng lực để hội nhập với nền kinh tế thị trường, thiếu nguồn lực về tài chính, sản xuất còn ảnh hưởng của tính chất tự cung tự cấp.

Cùng với đó là thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Giá vật tư, hàng hóa, giá nhân công cao, giá đầu ra không ổn định. Thị trường tiêu thụ vừa hẹp vừa thiếu ổn định.

Vậy cần làm gì để giữ được 3,28 triệu ha đất lúa?

Cần phải làm chuyển biến nhận thức của chính quyền nơi có nông dân bỏ ruộng, phải quan tâm kiểm tra quản lý chặt chẽ và điều hòa ruộng đất, tránh lãng phí tài nguyên.

Mặt khác, điều quan trọng có tính quyết định là Nhà nước phải có cơ chế khuyến khích hỗ trợ bằng cả nguồn lực kinh phí và cả biện pháp định hướng về sản phẩm và thị trường tiêu thụ, cũng như chính sách bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp nhằm đảm bảo nông dân có thu nhập đủ sống.

Đồng thời, Nhà nước cần chú ý hỗ trợ, định hướng cho người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa các cây trồng có năng suất cao vào sản xuất. Các cơ quan khoa học, viện nghiên cứu có giải pháp, biện pháp kỹ thuật cải tiến công cụ lao động, nâng cao năng suất của khu vực này, tăng các thị trường đầu vào cho sản xuất nông nghiệp…

Xin cảm ơn TS!

Theo Linh Đan

cucpth

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên