MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc EVN: Chúng tôi sẽ lấy lại niềm tin của người dân

“Thời gian qua, Tập đoàn điện lực EVN bị “mất niềm tin” nên giờ đây EVN phải xây dựng văn hóa để lấy lại niềm tin của người dân. Từ đó người dân sẽ tin Đảng, tin Chính phủ."

“Slogan “thắp sáng niềm tin” của EVN có ý nghĩa sâu xa là như vậy” - Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam Phạm Lê Thanh chia sẻ tại buổi Họp báo triển khai nhiệm vụ năm 2014 của EVN.

Công cuộc “lấy lại niềm tin” này, theo ông Thanh, chính là Tái cơ cấu tập đoàn mà nhất là thành lập 3 tổng công ty phát điện GENCO 1, 2, 3 nhằm mục đích chuẩn bị cho việc vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh vào sau năm 2023. Theo tiến độ, từ năm 2015-2016 sẽ thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm và từ năm 2017-2021, thực hiện thị trường bán buôn điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Trên cơ sở đó, năm 2014 của EVN có 3 mục tiêu chính. Thứ nhất là bảo đảm đủ điện cho phát triển kinh tế XH cho đất nước. Thứ hai là đầu tư điện theo sơ đồ điện VII trong đó lưu ý các dự án cung cấp điện cho miền nam (do việc đàm phán với công ty khí của Mỹ chưa thông qua nên EVN đang phải chạy nhà máy điện than thay thế để bổ sung điện cho miền nam). Thứ ba là tái cơ cấu tập đoàn theo chỉ thị của Chính phủ.

Nói về việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, ông Thanh cũng chia sẻ, trước đây EVN đầu tư ngoài ngành 2.000 tỷ. Trong năm 2013, Tập đoàn đã hoàn thành thoái vốn một phần tại Công ty bảo hiểm toàn cầu và Ngân hàng An Bình, thu về 278 tỷ đồng.

“Hy vọng năm 2014 sẽ thoái vốn theo chỉ đạo” – ông Thanh phát biểu.

Tổng giám đốc EVN cho biết công cuộc lấy lại niềm tin của EVN sẽ thể hiện rõ ràng trong năm 2014 với việc minh bạch các khoản chi phí mà việc công bố giá thành sản xuất điện vừa qua là bước đột phá đầu tiên.

Bên cạnh đó, Tập đoàn sẽ tiến tới tối ưu hóa lao động thông qua nâng cao năng suất lao động và nâng cao chất lượng điện năng.

Lại nói về chuyện giá điện, ông Thanh phát biểu: “Chúng ta cần hàng tỷ USD để đầu tư nhà máy, công nghệ, đường truyền điện nhưng không ai đầu tư. Các tập đoàn như EVN, tập đoàn Sông Đà, gồng gánh nhau cùng đầu tư.” Trong khi đó, giá điện tại Việt Nam vẫn bị khống chế ở mức thấp, và người dân sử dụng không tiết kiệm, doanh nghiệp sử dụng công nghệ tổn thất điện năng, DN nước ngoài cũng lợi dụng giá điện rẻ để kiếm lời.

Vì vậy ông kỳ vọng vào Nghị Quyết số 10- QH khóa 13 với nội dung về cơ bản chuyển giá điện, than, xăng dầu sang giá thị trường để kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư vào ngành điện.

Với sự quyết tâm cải tổ, lấy lại niềm tin, TGĐ khẳng định tại cuộc họp: “Từ trước đến nay có bao giờ ngành điện dám nói là sản xuất đủ điện dùng đâu! Nhưng năm 2014 này, EVN dám nói là lo đủ điện cho sản xuất, cho phát triển kinh tế xã hội và dự phòng.”

Hải Minh

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên