Tổng mức bán lẻ 2013 tăng thấp
Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ từ năm 2011 đến nay đã chậm lại trên tất cả các kênh truyền thống cũng như siêu thị.
Việc tăng thấp tổng mức bán lẻ là một trong những yếu tố làm GDP tăng thấp nhưng đồng thời góp phần làm giảm lạm phát.
Xét theo loại hình kinh tế, các kênh truyền thống như chợ tăng 48,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, người tiêu dùng vẫn giữ truyền thống mua bán nhiều hơn ở các chợ và cửa hàng nhỏ lẻ với các loại hàng có phẩm cấp, giá cả phù hợp với thu nhập.
Tuy được đánh giá là kênh có sức tăng trưởng khá nhất trong thời gian qua, nhưng theo các tiểu thương ở các chợ thì sự tăng trưởng này vẫn chưa đáp ứng được doanh thu như nhiều năm về trước.
Đối với Đà Nẵng, trong năm 2013 là một năm tăng trưởng tốt của thị trường bán lẻ, tăng từ 18-20% so với năm 2012. Ngoài nguyên nhân từ sức mua của khách du lịch, đã có một sự chuyển hướng rất lớn từ người tiêu dùng địa phương.
Ngoài ra, những dự báo không mấy khả quan về tình hình kinh tế năm 2013 vẫn không làm nản lòng các nhà bán lẻ. Họ đã đưa ra các giải pháp tích cực với các chiến lược bán hàng hướng đến nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Hầu hết giới thương mại đều rất kỳ vọng vào thị trường tại các đô thị lớn, trong đó có Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Long Trung, Giám đốc chi nhánh siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho biết: “Người dân đang thắt chặt chi tiêu nhưng nếu doanh nghiệp bán lẻ co mình lại, không chủ động tiếp cận đến với người tiêu dùng thì chắc chắn sẽ không có sự phát triển. Vì thế các nhà bán lẻ của Việt Nam cũng như các tập đoàn bán lẻ khác đang đẩy mạnh mở rộng mạng lưới phát triển các chương trình khuyến mãi, tiếp thị để gắn kết với khách hàng”.
Rõ ràng, những tác động xấu của nền kinh tế tuy ít nhiều làm giảm hạn mức của thị trường bán lẻ trong năm 2013. Nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ năng động và có tốc độ phát triển hàng năm khá cao so với các nước trong khu vực.
Theo Thanh Nga