Tp. Hồ Chí Minh: CPI tháng 3 tăng 0,16%
Diễn biến giá trong năm nay có phần ngược với 2 năm trước: lần đầu tiên giá tháng 2 (tháng cận và trong Tết) giảm so tháng 1, tháng 3 các năm thường giảm năm nay lại tăng.
- 20-03-2015Hà Nội: Giá thực phẩm và khí đốt tăng kéo CPI tháng 3 tăng trở lại
- 16-03-2015Điện và xăng tăng giá tác động cụ thế đến CPI như thế nào?
- 12-03-2015CPI tháng 3 có thể tăng nhẹ
Nội dung nổi bật
-CPI tháng 3 của TPHCM tăng 0,16% so với tháng 2
- Có 4/11 nhóm hàng giảm giá; 4 nhóm tăng giá và 3 nhóm không biến động
- Diễn biến giá 3 tháng đầu năm đang ngược các năm trước
- So với tháng 3/2014, CPI tăng 0,74% nhưng so với tháng 12/2014 vẫn giảm 0,72%
Theo báo cáo của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của thành phố tháng 3 tăng nhẹ với mức 0,16% so với tháng trước.
Trong đó có 4/ 11 nhóm hàng giảm là: đồ uống và thuốc lá (-0,22%); thiết bị và đồ dùng gia đình (-0,04%), giao thông (-0,43%), hàng hóa và dịch vụ khác (-0,48%).
4 nhóm tăng giá là ăn và dịch vụ ăn (+0,51%), may mặc mũ nón giày dép (+0,05), nhà ở điện nước chất đốt (+0,02) và văn hóa giải trí (+0,05), 3 nhóm dược phẩm và dịch vụ y tế, bưu chính viễn thông và giáo dục không có biến động.
Như vậy năm nay diễn biến giá có phần ngược với 2 năm trước: lần đầu tiên giá tháng 2 (tháng cận và trong Tết) giảm so tháng 1, tháng 3 các năm thường giảm năm nay lại tăng.
Giá lương thực tháng 3 giảm 0,46% so tháng trước, là mức giảm khá cao, tính từ đầu năm đến nay đã giảm 0,66%. Nguyên nhân là do sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ trong khi cầu nhập khẩu của một số thị trường truyền thống giảm đã đẩy giá gạo giảm.
Giá thực phẩm ngược lại tăng khá so tháng trước (+0,83%) với một số mặt hàng chính đều tăng: thịt bò tăng 1,76%; thịt vịt tăng 0,44%; thịt chế biến tăng 0,79%; thủy sản tươi sống tăng 0,21%; thủy sản chế biến tăng 0,1%; rau các loại tăng 3,25%; trái cây các lọai tăng 2,98%; đường mật tăng 0,87%; trà cà phê tăng 0,47%; các mặt hàng giảm giá có thịt heo (-0,15%), thịt gà (-0,31%), trà cà phê (+0,16%), đáng kề nhất là sữa bơ phomát (+2,04%). trứng các loại (-1,04%).
Ăn uống ngoài gia đình so tháng trước tăng 0,48% và tăng 0,61% so đầu năm.
Nhà ở điện nước chất đốt tăng 0,02% là nhóm có mức tăng thấp nhất trong nhóm tăng, chủ yếu do tác động giá gas tăng 1,67% (ngày 1/3 tăng 5.000 đồng/bình 12kg).
Giao thông giảm 0,43%, trong đó giá xe máy giảm 0,35%; phụ tùng giảm 0,17%, vé ô tô khách giảm 0.52%; riêng giá vé tàu hỏa tăng 9,1%.
So với tháng 3/2014, chỉ số giá hàng hóa tiêu dùng tăng 0,74%; trong đó có 4/11 nhóm hàng giảm là nhà ở điện nước chất đốt, giao thông, bưu chính viễnthông, và văn hóa giải trí, trong đó giao thông là nhóm có mức giảm cao nhất (-17,54%) do ảnh hưởng giá xăng giảm mạnh; giáo dục và y tế là 2 nhóm có mức tăng cao nhất.
So với tháng 12/2014, chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng giảm 0,72%.
Phương Phương