MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tp.HCM lại "khát" lao động phổ thông

Khi một số ngành sản xuất có dấu hiệu hồi phục, Tp.HCM lại đối diện với tình hình thiếu hụt trầm trọng lao động phổ thông.

Lao động mất việc là vấn đề “nóng” được dư luận xã hội quan tâm một thời gian dài. Nhưng giờ đây, khi một số ngành sản xuất có dấu hiệu hồi phục, Tp.HCM lại đối diện với tình hình thiếu hụt trầm trọng lao động phổ thông.

Tại khu công nghiệp Tân Bình, Tp.HCM, bảng thông báo “tuyển không giới hạn số lượng” xuất hiện trước cửa tất cả công ty dệt, may như May Thành Công, dệt Thắng Lợi, may Nam Thiên, dệt Đông Tiến Hưng… với mức lương đề nghị từ 1,8 - 2,5 triệu đồng/tháng.

Theo số liệu mới nhất của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM, đến cuối hết tháng 6 này thành phố thiếu khoảng 61.000 lao động, trong đó khu chế xuất và khu công nghiệp thiếu khoảng 12.000 lao động.

Đơn hàng tăng, lương thấp, khó tìm người

Tuy vậy, số lao động đến xin việc quá thưa thớt. “Một ngày có khoảng 10 người đến xem bảng tuyển dụng, nhưng may lắm mới có một người vào trong để hỏi thêm chi tiết”, bảo vệ của công ty dệt Đông Tiến Hưng cho biết.

Hạnh chở em gái đi tìm việc trong khu công nghiệp cả 2 giờ đồng hồ mà vẫn chưa chọn được nơi để nộp hồ sơ. Hai bạn đến Đông Tiến Hưng đã là công ty thứ sáu. Mai, em Hạnh vừa từ quê vào, chưa có tay nghề nên muốn tìm việc trong ngành dệt may để dễ được đào tạo.

“Nhưng lương thấp quá, 3 tháng đầu thử việc chỉ khoảng 1,4 triệu đồng/tháng, trong khi cái gì bây giờ cũng đắt. Với mức này thì không biết có sống qua được 3 tháng để lãnh 2 triệu đồng như ghi trong thông báo không”, Mai nói. Hai chị em lại đi tìm việc khác, như Hạnh nói với Mai thì "việc bây giờ nhiều lắm, cứ cân nhắc kỹ rồi chọn, không đến nỗi không có chỗ làm đâu".

Câu nói của Hạnh phản ảnh thực trạng thiếu lao động trầm trọng tại Tp.HCM. Việc rao tuyển lao động phổ thông cũng đang diễn ra rầm rộ tại các trung tâm giới thiệu việc làm như Trung tâm giới thiệu việc làm Thanh niên, Trung tâm giới thiệu việc làm Tp.HCM trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM, Trung tâm giới thiệu việc làm của Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp (HEPZA), trung tâm việc làm của phòng lao động các quận, huyện…

Chỉ riêng ngành dệt may, tính chung mỗi doanh nghiệp đang thiếu trung bình khoảng 15% lực lượng lao động, theo ông Phạm Xuân Hồng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam. Ông cho rằng việc đơn hàng tăng trở lại từ đầu quý 2 đã làm doanh nghiệp “khát” lao động hơn.

Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tp.HCM nói rằng gần đây, có một doanh nghiệp ở quận 12 gọi điện trực tiếp cho ông để nhờ giúp tìm gấp khoảng 500 lao động ngành may, nhưng “không biết tìm đâu ra”. Ông cho biết chính trung tâm giới thiệu việc làm của sở cũng khan hiếm nguồn cung trầm trọng thì sở biết tìm đâu ra người để cung cấp cho doanh nghiệp.

Vì đâu?

Ông Trương Lâm Danh, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động Tp.HCM cho rằng sở dĩ có tình trạng thiếu lao động trầm trọng như hiện nay một phần vì cuối năm 2008 và đầu năm 2009, nhiều công ty quá khó khăn đã cho công nhân nghỉ việc, công nhân đã đi tìm công ty khác để có việc làm mới hay chuyển sang các ngành dịch vụ khác. Hiện nay, doanh nghiệp sau khi có đơn hàng trở lại đã không còn đủ công nhân để thực hiện.

“Vì vậy, dấu hiệu thiếu lao động hiện nay còn nặng nề hơn so với trước khi xảy ra suy thoái kinh tế”, ông Danh nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo đánh giá chung của cơ quan quản lý lao động và trung tâm giới thiệu việc làm, việc khan hiếm lao động phổ thông còn do nhiều lý do như: mức sống ở Tp.HCM hiện quá cao, trong khi mức lương chưa tăng tương xứng; tại các tỉnh hiện nay hầu hết đã có khu công nghiệp, công nhân về tại nhà cũng có thể đi làm mà không phải lo các khoản chi phí như chỗ trọ, tiền ăn…

Ngoài ra, doanh nghiệp ít quan tâm đến người lao động, nhiều doanh nghiệp cho công nhân tăng ca, làm thêm giờ nhưng trả lương không đúng luật, nhiều doanh nghiệp trả lương thấp hơn mức tối thiểu được quy định...

Tuyển khó nên phải cố gắng giữ người

Ông Phạm Xuân Hồng cho rằng các doanh nghiệp ngành may đều biết rất khó tuyển lao động nên tìm nhiều cách để giữ người bằng cách trả mức lương tương xứng. Hiện nay, chỉ có những công ty lớn như Việt Tiến, Nhà Bè, Sài Gòn 3… là đang trả cho công nhân mức lương bình quân trên 2,5 triệu đồng. Các chế độ như thưởng, phép, bữa ăn giữa ca cũng phải thực hiện đúng luật để người lao động yên tâm làm việc hơn.

Ông Tâm cũng cho rằng doanh nghiệp phải quan tâm đến năng suất lao động vì có năng suất cao thì sẽ giảm được thời gian làm việc, công nhân không phải tăng ca quá nhiều mà mức lương vẫn ổn định, đồng thời doanh nghiệp cũng sẽ không cần nhiều lao động như trước.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm HEPZA, hiện trung tâm này đang kêu gọi các doanh nghiệp trả đúng mức lương ghi trên bảng tuyển dụng để công nhân không “nhảy việc” liên tục. Bên cạnh đó, việc xây nhà lưu trú, hỗ trợ tiền trọ, phương tiện đi lại… cũng là việc doanh nghiệp cần làm để công nhân yên tâm làm việc.

Về lâu dài, vấn đề quan trọng nhất của thành phố, theo ông Tâm, là phải cơ cấu lại ngành nghề, hạn chế nhận các dự án có sử dụng nhiều lao động, mà chỉ chọn những dự án sử dụng lao động kỹ thuật cao, hay trình độ học vấn từ cao đẳng trở lên để tình hình thiếu lao động phổ thông hiện nay bớt căng thằng hơn.

Theo Thanh Thương
TBKTSG

thanhtu

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên