Ngày 25.9, theo nguồn tin của Thanh Niên Online, UBND TP.HCM có báo cáo gửi Bộ Tài chính về số liệu vay, trả nợ chính quyền địa phương.
Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng, tính đến thời điểm 31.12.2012, tổng dư nợ vay của thành phố là 9.769 tỉ đồng
Vốn đầu tư phát triển hạ tầng chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phải vay vốn nhằm đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) ổn định.
Trong giai đoạn 2011-2013, số cân đối từ thuế dành cho chi đầu tư phát triển của thành phố chỉ khoảng 9.509 tỉ đồng/năm, nhưng phải bố trí hơn 28% để thanh toán các khoản nợ và lãi vay đến hạn, tương ứng khoảng 2.681 tỉ đồng/năm.
Do đó, thực chất chi đầu tư chỉ còn hơn 6.800 tỉ đồng/năm, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu đầu tư của thành phố hằng năm (6.800 tỉ đồng/34.000 tỉ đồng), không tương xứng với tốc độ tăng của khoản điều tiết nộp ngân sách Trung ương (tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM chiếm tỷ trọng hơn 27% tổng thu ngân sách cả nước, ước tính năm 2013 thu khoảng 216.950 tỉ đồng).
Bình quân mỗi năm cần 3-3,5 tỉ USD
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, với vai trò là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, là cửa ngõ giao thông quan trọng của các tỉnh, thành phía nam, TP.HCM đang cần một lượng vốn đầu tư rất lớn. Đặc biệt là vốn đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng đô thị.
Chỉ tính riêng hệ thống giao thông trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8.4.2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (thay thế Quyết định 101/QĐ-TTg ngày 22.1.2007), từ năm 2010 đến năm 2020 đã cần 20 tỉ USD.
Nếu tính cả quy hoạch hệ thống cấp nước sạch, tiêu thoát nước, chống ngập úng trên địa bàn thành phố…, thì trong vòng 10 năm 2010-2020, nhu cầu vốn lên đến khoảng từ 30-35 tỉ USD, bình quân mỗi năm cần 3-3,5 tỉ USD, tương đương 60.000-70.000 tỉ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho rằng, nguồn vốn dành chi đầu tư phát triển phần lớn dùng để trang trải cho việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, trả nợ các khoản vay vốn ODA; phần còn lại không thể nào đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đang ngày càng trở nên bức thiết và cấp bách.
Trong những năm qua, mặc dù thành phố đã có rất nhiều nỗ lực, tìm mọi phương thức huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, nhưng vẫn không thể đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và cải thiện dân sinh.
Việc triển khai, nhân rộng các hình thức đầu tư BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao)… đã mang lại kết quả bước đầu nhưng hiện nay các hình thức đầu tư này cũng đã bão hòa do thành phố ngày càng khan hiếm quỹ đất sạch và cũng không thể đặt quá nhiều trạm thu phí trên địa bàn.
Hơn nữa, khung giá thu phí theo quy định không còn phù hợp với thực tế, khó thu hút đầu tư, đặc biệt là đối với các dự án hạ tầng giao thông lớn, trọng điểm; ngân sách thành phố không thể trả nổi cho nhà đầu tư đối với những dự án BT trả bằng tiền.
Kiến nghị thực hiện hài hòa thủ tục Khắc phục tình trạng thiếu hụt vốn đầu tư, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hỗ trợ thành phố trong việc vận động nguồn ODA tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông có quy mô lớn như dự án đầu tư xây dựng tuyến Metro số 5 và dự án đầu tư xây dựng Nhà ga trung tâm Bến Thành; sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt danh mục tài trợ ODA đối với các dự án Vệ sinh môi trường thành phố - giai đoạn 2, dự án Phát triển giao thông xanh TP.HCM, dự án Phát triển giao thông đô thị bền vững cho tuyến tàu điện ngầm số 2. UBND TP.HCM cũng kiến nghị Trung ương xem xét điều chỉnh các quy định nhằm thực hiện hài hòa thủ tục giữa quy định của Việt Nam và chính sách của nhà tài trợ (chủ yếu là những vấn đề cụ thể trong các quy định về nghiệm thu kỹ thuật và giải ngân)… |
Theo Đình Phú