TPP mở ra định hướng phát triển mới cho doanh nghiệp Việt Nam
Tỷ lệ các doanh nghiệp dân doanh và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) biết tới Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt khoảng 70%, tuy nhiên rất ít doanh nghiệp đã và đang theo dõi các hoạt động đàm phán hoặc hiểu rõ những tác động của Hiệp định TPP đến doanh nghiệp mình.
- 12-04-2015Vào TPP, ngành nông nghiệp sẽ “5 ăn, 5 thua”
- 04-04-2015“Đã nhìn thấy đích đến cho đàm phán TPP”
- 01-04-2015Để trụ vững với TPP, AEC và các FTA, doanh nghiệp cần nhìn xa hơn
- 27-03-2015Tiết lộ tài liệu mật về cơ chế giải quyết tranh chấp trong TPP
Đây là vấn đề được các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế quan tâm tại Hội thảo "Kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI 2014 - Vấn đề quan hệ lao động và chuẩn bị của doanh nghiệp cho Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/4.
Kết quả Báo cáo Chỉ số PCI 2014 vừa công bố, cho thấy, doanh nghiệp trong nước ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP với tỷ lệ hơn 66%, doanh nghiệp thể hiện ý phản đối chỉ chiếm 1,5%. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) thể hiện thái độ thận trọng và dè dặt hơn, với khoảng 25% số doanh nghiệp FDI được khảo sát thể hiện ý kiến ủng hộ Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP, riêng số còn lại cho biết Hiệp định này không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp mình.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, đây là tín hiệu tốt đối với Hiệp định TPP, dự kiến sẽ mang lại một thỏa thuận đạt tiêu chuẩn cao, thể hiện sức mạnh của quyền lợi và nghĩ vụ trong lĩnh vực pháp lý liên quan đến thương mại. Sự ủng hộ đối với lĩnh vực này có thể xem là những bằng chứng tạo động lực cho Việt Nam tham gia trở thành thành viên của Hiệp định TPP, nhằm hướng đến thúc đẩy các cam kết cải cách kinh tế trong nước.
Tuy nhiên khi đánh giá về tác động của Hiệp định TPP, mặc dù các doanh nghiệp tin rằng Hiệp định này sẽ lại nhiều cơ hội và triển vọng cho Việt Nam, nhưng vẫn quan ngại về nhiều vấn đề quan trọng cần thực hiện như: công khai thông tin về nội dung Hiệp định TPP và chuẩn bị cho những hoạt động tái cơ cấu theo các điều khoản cam kết.
Các doanh nghiệp cho rằng việc đa dạng hóa đối tác thương mại do Hiệp định TPP nhiều khả năng sẽ diễn ra ở mức hạn chế, vì chỉ có khoảng 40% doanh nghiệp có quan hệ kinh tế đáng kể với đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dự đoán hoạt động thương mại có thể chuyển hướng từ Trung Quốc sang khu vực Mỹ, Đông Nam Á và Đông Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản.
Mặt khác, hầu hết doanh nghiệp đều ủng hộ các vấn đề "sau biên giới" như mở cửa thị trường trong nước về đầu tư, sở hữu trí tuệ, mua sắm Chính phủ, môi trường, lao động và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp cũng cho rằng, nội dung cải cách doanh nghiệp nhà nước trong Hiệp định TPP có thể có những tác động tích cực nhất đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Theo giáo sư, tiến sỹ Edumund Malesky, Đại học Duke (Mỹ), mức độ ủng hộ khác nhau về mở cửa thị trường của doanh nghiệp khi có sự khác biệt đáng kể khi đề cập đến các vấn đề truyền thống gồm giảm thiểu các rào cản thuế quan và phi thuế quan, hạn chế các quy định về xuất xứ và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường dịch vụ, cho thấy các doanh nghiệp khá lạc quan về phương pháp tiếp cận của Hiệp định TPP đối với những vấn đề này, song họ lại bày tỏ sự lo lắng về khả năng gia tăng cạnh tranh khi nhập khẩu nhiều các sản phẩm, dịch vụ hay nhắm tới doanh thu trên thị trường Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thể Hà, Phó Giám đốc Công ty Bùi Văn Ngọ cho biết Hiệp định TPP mở ra một định hướng phát triển mới cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế của những thương hiệu Việt Nam.
Theo đó, doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng trong tư thế cạnh tranh thị trường khu vực và quốc tế thông qua đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ, nâng cao năng lực quản trị… Doanh nghiệp trong nước kỳ vọng có được những "hỗ trợ sau Hiệp định TPP" để thích ứng nhanh chóng với Hiệp định này thông qua việc thành lập cơ quan quản lý chịu trách nhiệm giúp đỡ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, đào tạo lại và tư vấn cách thức để tận dụng được cơ hội thị trường mới.
Nhìn chung, các chuyên gia cho rằng hiện nay năng lực thông tin của doanh nghiệp cần được nâng cao hơn, sự thiếu minh bạch trong các đàm phán Hiệp định TPP đặt ra không ít thách thức cho doanh nghiệp khi muốn tìm hiểu về cơ hội và thách thức của Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam khi Hiệp định này được ký kết.
Các đàm phán liên quan đến Hiệp định TPP vẫn được giữ trong vòng bí mật, nên doanh nghiệp chỉ cập nhật được những dự báo cơ bản như Việt Nam sẽ hưởng lợi từ Hiệp định này song cũng đối mặt với các tác động khó giải quyết trong tất cả các lĩnh vực cần cải thiện bằng chính sách kinh tế. Đồng thời, doanh nghiệp không có thông tin về Hiệp định TPP mang tính bước ngoặt, trong khi đây là Hiệp định có khả năng sẽ làm thay đổi cuộc chơi trong các thỏa thuận thương mại quốc tế.
Trước đó, báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam (PCI 2014) vừa được công bố dựa trên kết quả điều tra 9.859 doanh nghiệp dân doanh và 1.491 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam độc lập xây dựng và thực hiện dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID)./.