TPP sẽ mở ra những cơ hội lớn cho cả Việt Nam và Mỹ
Việt Nam, Mỹ và 10 quốc gia khác tham gia đàm phán TPP cần phải có những sự nhượng bộ nhất định để sớm hoàn tất quá trình này.
- 26-01-2015TPP và bài toán năng suất lao động của doanh nghiệp dệt may
- 22-01-2015Việt Nam cam kết thúc đẩy đàm phán và thực thi Hiệp định TPP
- 20-01-2015Vào TPP: Việt Nam không cần e ngại trở thành nhà xuất khẩu thay một số nước
Đây là nhận định của bà Virginia Foote, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Bay Global Strategies khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN bên lề Hội thảo quốc tế với chủ đề "Quan hệ Việt Nam - Mỹ: 20 năm thành công hơn nữa". Hội thảo do Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế của Mỹ (CSIS) và Trường Đại học Portland (Mỹ) đồng tổ chức ngày 26/1 tại Hà Nội.
Bà Foote đã chỉ ra những khó khăn, thách thức cũng như những thuận lợi và cơ hội mở ra cho cả Mỹ và Việt Nam nếu hai nước có thể hoàn tất việc đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay.
PV: Thưa bà Foote, bà đã tham dự phiên thảo luận về quan hệ kinh tế Việt- Mỹ trong hiện tại và tương lai tại Hội thảo, vậy bà có thể đưa gia đánh giá của mình về quá trình đàm phán TPP giữa Mỹ và Việt Nam?
Bà Virginia Foote: Việt Nam và Mỹ đang giải quyết những vấn đề còn tồn đọng về thương mại, trong đó có việc đàm phán TPP giống như chúng ta đang tiến hành với 10 nước khác. Quá trình này bao gồm các cuộc đàm phán song phương và đa phương.
Sau khi hoàn tất việc đàm phán song phương và đa phương, các nước sẽ ký vào bản thỏa thuận để thực hiện TPP.
Tôi nghĩ rằng Mỹ và Việt Nam đã đi đến chặng cuối cùng của tiến trình đàm phán. Chúng ta đã thống nhất được những vấn đề khó khăn nhất bằng sự nhượng bộ từ hai phía. Tôi cho rằng việc hoàn tất đàm phán TPP giữa hai nước sẽ kết thúc trong vài tháng tới. Tôi rất hy vọng chúng ta có thể hoàn tất việc này.
PV: Theo bà Việt Nam và Mỹ có những thuận lợi và khó khăn gì trong quá trình hoàn tất đàm phán TPP?
Bà Virginia Foote: Như tôi đã nói trong phiên thảo luận về quan hệ kinh tế Việt- Mỹ trong hiện tại và tương lai, cả Mỹ và Việt Nam vẫn có một số vấn đề khá nhạy cảm cần phải vượt qua và không chỉ có Mỹ và Việt Nam mà mọi quốc gia khác đều phải đối mặt với vấn đề này bởi đây là những vấn đề rất khó có sự nhượng bộ.
Nếu chúng ta đồng ý tiến hành hợp tác thương mại và dỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan thì quá trình đàm phán TPP sẽ được hoàn tất. Tuy nhiên, đây lại là vấn đề mà các quốc gia chưa muốn nhượng bộ.
Ngoài ra vấn đề đàm phán TPP cũng được cho là nhạy cảm bởi các quốc gia khác nhau sẽ có các nền công nghiệp ở mức độ lớn và nhỏ hoàn toàn khác nhau. Mỗi nước đều muốn đặt ra những ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp riêng của mình. Điều này khiến quá trình đàm phán TPP cũng gặp nhiều trắc trở.
PV: Bà có tin rằng Việt Nam và Mỹ có thể hoàn tất việc đàm phán TPP trong năm nay?
Bà Virginia Foote: Tôi là người rất lạc quan và tôi cho rằng chúng ta có thể hoàn tất đàm phán TPP trong năm nay dù phải đối mặt với nhiều thách thức khi làm việc với nhau và có thể sẽ phải nhượng bộ nhiều.
PV: Nếu đàm phán TPP được hoàn tất trong năm nay thì Việt Nam và Mỹ được hưởng lợi gì từ TPP?
Bà Virginia Foote: Ý tưởng về việc đàm phán TPP là đưa các rào cản thuế quan về mức 0% đối với nhiều mặt hàng nhất có thể. Thay vì phải trả thuế khi thông quan tại các cửa khẩu thì 12 nước tham gia quá trình đàm phán TPP sẽ được hưởng lợi từ việc không phải trả thuế nữa.
Điều này sẽ đem lại lợi ích to lớn cho Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa của mình.
Ngoài ra, một lợi ích khác của TPP là sẽ khiến các quy định về thương mại của các nước gần như tương đồng với nhau. Sẽ không còn cách làm ăn kiểu Việt Nam hay cách làm ăn kiểu Mỹ hay Malaysia nữa. Thay vì thế chúng ta sẽ đạt được một phong cách kinh doanh mang tính toàn cầu. Đây chính là lợi ích thứ 2 của TPP.
Lợi ích thứ 3 của TPP là đem lại danh tiếng cho Việt Nam. Mọi người đều hiểu rằng TPP là một thỏa thuận thương mại đầy tham vọng và các nước đều thấy rất ấn tượng khi Việt Nam - nền kinh tế khiêm tốn nhất trong 12 nước tham gia đàm phán TPP - vẫn quyết tâm tham gia vào quá trình đàm phán TPP.
Điều này sẽ khiến cả các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam đều nghĩ đến những cơ hội mà Việt Nam có thể mang lại cho họ sau khi hoàn tất thỏa thuận TPP.
Tuy nhiên, TPP cũng mang lại nhiều thách thức cho Việt Nam và những thách thức này không phải là chỉ riêng của Việt Nam.
PV: Theo bà, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để có thể đẩy nhanh quá trình đàm phán TPP?
Bà Virginia Foote: Tôi cho rằng Việt Nam đã làm hết sức mình để đẩy nhanh quá trình này. Theo tôi, việc cần làm bây giờ là Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm đến việc chuẩn bị tham gia vào TPP.
Quá trình này sẽ đòi hỏi Việt Nam phải tiến hành thay đổi các quy định của mình, tăng cường tiến trình cải cách thủ tục hành chính và tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế trong nước, cải thiện cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục. Tất cả những thay đổi này sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ việc tham gia vào TPP.
Xin cảm ơn bà về cuộc phỏng vấn này!./.
>>>Việt Nam-Hoa Kỳ cam kết hoàn thành đàm phán TPP trong 2015
Theo Nguyễn Hùng- Trần Khánh
VOV