MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP thúc đẩy cải cách thể chế Việt Nam

Đàm phán TPP kết thúc hồi tháng 10-2015 và mọi ánh mắt đang đổ dồn về nước Mỹ, chờ Quốc hội Mỹ chính thức phê chuẩn hiệp định này.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Việt - Mỹ và sẽ thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế của VN những năm tới. Tuy nhiên, các thách thức đối với VN không hề nhỏ.

Đó là nhận định chung của các chuyên gia, học giả VN và Mỹ tại hội thảo “20 năm quan hệ Việt - Mỹ: Triển vọng hợp tác kinh tế - giáo dục và tiếp theo với hiệp định TPP” do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế (CSSD) và Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) đồng tổ chức ở TP.HCM ngày 14-1.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định TPP sẽ giúp VN mở rộng hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới, đặc biệt là Mỹ, góp phần đa dạng hóa thị trường, nguồn cung nguyên phụ liệu, giúp VN tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng sản xuất toàn cầu.

Đàm phán TPP kết thúc hồi tháng 10-2015 và mọi ánh mắt đang đổ dồn về nước Mỹ, chờ Quốc hội Mỹ chính thức phê chuẩn hiệp định này.

Đây cũng là thắc mắc của nhiều đại biểu tham dự hội thảo và được đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đưa ra. TS Evan 
S. Medeiros - tổng giám đốc Tổ chức Eurasia Group, nguyên cố vấn về châu Á của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) - quả quyết Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn TPP trong nửa đầu năm nay, chứ không đợi tới sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 như nhiều người lo ngại bởi sự ủng hộ dành cho TPP, đặc biệt từ phía các nghị sĩ Đảng Cộng hòa, rất lớn.

“Walmart hiện diện ở VN chính vì TPP”

VN và Mỹ sẽ tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư như thế nào sau khi TPP có hiệu lực? Bà Wendy Cutler - phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á (ASPI), cựu phó đại diện thương mại Mỹ - khẳng định VN sẽ là quốc gia giành chiến thắng lớn nhất trong TPP. Bởi TPP có thể giúp VN có vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Chẳng hạn, bà Joyce Tran, giám đốc khu vực thu mua bộ phận Đông Nam Á của Walmart, cho rằng TPP vừa tạo điều kiện để chuỗi siêu thị khổng lồ Mỹ mua sản phẩm sản xuất tại VN, vừa là cơ hội để Walmart chuyển giao công nghệ, kiến thức cho các nhà cung cấp VN.

Qua đó, các nhà cung cấp VN có thể xây dựng năng lực và tham gia hệ thống chuỗi giá trị toàn cầu. “Walmart hiện diện ở VN chính vì TPP” - bà Tran 
nhấn mạnh.

Theo bà Tran, tất cả loại hàng hóa vào Walmart đều phải tuân thủ theo một tiêu chuẩn toàn cầu nghiêm ngặt.

“Chúng tôi đang xem xét mua tất cả sản phẩm sản xuất tại VN, không loại trừ nhóm hàng nào, từ thực phẩm tươi sống đến đóng hộp, chế biến” - bà Tran cho biết. Bà Tran nhận định với TPP, VN là điểm hứa hẹn cung ứng nguồn sản phẩm đa dạng 
của Walmart.

Tuy nhiên, vấn đề là Walmart có lộ trình, chiến lược cụ thể để đánh giá các nhà cung ứng tiềm năng và đưa họ thành đối tác tin cậy.

“Tôi đã làm việc với nhiều nhà cung cấp VN. Một thách thức của VN là thiếu những nhà cung cấp trung gian có kỹ năng phân tích, tư duy chiến lược. Các bạn cần cải thiện vấn đề này để có thể tận dụng được các cơ hội trong tương lai” - bà Tran đánh giá.

Cũng tại hội thảo, ông Lê Tiến Trường, giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), cho biết năm 2015 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 27 tỉ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 12 tỉ USD.

Ở thị trường này, hàng dệt may VN chiếm 10% thị phần, chỉ đứng sau Trung Quốc. Với TPP, ngành dệt may VN đặt mục tiêu đến năm 2020 xuất khẩu sẽ tăng lên tới 50 tỉ USD, trong đó riêng thị trường Mỹ đóng góp 22-25 tỉ USD.

“Các chuyên gia đánh giá VN có tiềm năng trở thành trung tâm sản xuất của thế giới” - ông Trường cho biết.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), VN được xem là có nhiều điều kiện nhất để trở thành trung tâm sản xuất của ngành dệt may thế giới, trong đó có điều kiện quan trọng là nhân lực.

“VN có đủ lực lượng lao động để làm trong khu vực này. VN còn là quốc gia biển, có hệ thống cảng biển thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ giao hàng đến các thị trường chính, chưa kể đã có sẵn cơ sở trong sản xuất với 2,5 triệu lao động” - ông Trường khẳng định.

Tuy nhiên, theo ông Trường, điều đó có thành hiện thực hay không còn phụ thuộc vào nội lực phát triển và ngoại lực tác động.

Do đó, dệt may là ngành luôn quan tâm nhất đến các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là TPP. “Đối với chúng tôi, TPP là dấu mốc để tiếp tục đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo” - ông Trường cho biết.

Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ qua các năm - Dữ liệu: N.B., Đồ họa: Tiến Đạt
Kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Mỹ qua các năm - Dữ liệu: N.B., Đồ họa: Tiến Đạt

Nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ

Bà Sherry Boger, tổng giám đốc Tập đoàn Intel VN, nhận định TPP sẽ giúp VN thực thi các cam kết thương mại và đầu tư nghiêm túc nhất. Nhờ đó, tính tuân thủ pháp lý tại VN sẽ được cải thiện đáng kể.

“Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương. Với TPP, trong tương lai chiến lược phát triển đầu tư của Intel cũng sẽ tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao” - bà 
Sherry nói.

Ông Lương Hoàng Thái, vụ trưởng Vụ Kinh tế đa biên Bộ Công thương, tuyên bố thông qua tiến trình tham gia một thỏa thuận thương mại có tiêu chuẩn rất cao như TPP, Chính phủ VN muốn gửi một thông điệp rõ ràng đến cộng đồng quốc tế. Đó là mong muốn cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài vào VN.

“Đảng và Chính phủ đã có nghị quyết và chủ trương cải cách. Vấn đề là cách làm như thế nào, ví dụ cải cách doanh nghiệp nhà nước và chi tiêu công, tăng sự cạnh tranh của nền kinh tế...” - ông Thái đặt vấn đề.

Theo ông Thái, các nước TPP đều là những quốc gia đi đầu về cải cách, xây dựng thể chế để phát triển nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và đây sẽ là cơ hội để VN học hỏi. Nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhận định cơ chế giám sát ngặt nghèo của TPP sẽ giúp VN tích cực cải thiện thể chế. Trong 12 nước tham gia TPP, VN là quốc gia có trình độ kém phát triển nhất.

“Do đó VN bắt buộc phải thay đổi nhiều nhất, kể cả pháp luật, để đáp ứng các tiêu chuẩn trong TPP” - ông Tuyển khẳng định. Ví dụ trong lĩnh vực lao động, mặc dù tiêu chuẩn lao động của TPP dựa theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động thế giới nhưng đối với VN, nhiều điều khoản vẫn hoàn toàn mới mẻ.

“Bài học lớn nhất mà VN cần học được là tầm nhìn. Đồng thời VN cũng cần tìm cách rút ngắn các bước đi để tiến ra khu vực rộng lớn hơn” - ông Tuyển phân tích.

Chuyên gia Wendy Cutler cho rằng để thúc đẩy các lợi ích từ TPP, VN cần phải đầu tư nhiều vào giáo dục, cơ sở hạ tầng, đường sá, cảng biển. Theo bà Cutler, ước tính trong năm năm tới VN cần ít nhất 30 tỉ USD để cải thiện hạ tầng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng mà TPP đem lại.

Ông Bùi Thế Giang - vụ trưởng Vụ Tây Âu và Bắc Mỹ, Ban Đối ngoại trung ương - cho rằng TPP cần trở thành nền tảng để Mỹ và VN chia sẻ tầm nhìn, nâng tầm quan hệ vượt qua lĩnh vực thương mại tới lĩnh vực chính trị.

6 biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ

Theo tham luận của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc do phó vụ trưởng Vụ châu Mỹ Lê Chí Dũng trình bày, có sáu biện pháp Mỹ và VN cần thực hiện để tăng cường quan hệ.

Thứ nhất, lãnh đạo cấp cao Mỹ đến thăm VN. Thứ hai, Mỹ tăng cường đầu tư trực tiếp để trở thành nhà đầu tư số 1 tại VN như mục tiêu đại sứ Mỹ Ted Osius đề ra. Thứ ba, Mỹ hỗ trợ VN xây dựng lực lượng lao động có trình độ cao.

Thứ tư, hai bên tăng cường hợp tác thực chất trong khoa học, công nghệ và môi trường. Thứ năm, Mỹ tăng cường 
hỗ trợ VN trong các vấn đề nhân đạo để hàn gắn vết thương chiến tranh. Thứ sáu, hai nước tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng, xử lý các thách thức an ninh.

Ông Nguyễn Ngọc Trường (chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và phát triển quan hệ quốc tế):

Phải khắc phục các yếu kém

TPP là cơ hội lớn của VN, đặc biệt là khả năng tăng xuất khẩu của VN thêm 25-27% vào năm 2020. Nhưng sự yếu kém của VN là kỹ năng quản lý, trình độ giáo dục của tầng lớp cán bộ để thích ứng với các tiêu chuẩn của TPP.

VN cần đổi mới tư duy và nhận thức, từ các doanh nghiệp, các quan chức, Đảng và Nhà nước phải thấy được cơ hội, thách thức và cần một sự chuyển biến mạnh.

Ví dụ chúng ta cần tiếng Anh hóa hơn nữa. Singapore có bước phát triển nhanh nhờ xã hội sử dụng tiếng Anh. Khi tham gia TPP, VN sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nước thành viên, đặc biệt từ Mỹ. Người Mỹ rất cởi mở và rất thiện chí với VN.

Theo Như Bình - Hiếu Trung

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên