Triển vọng tham gia FTA thế hệ mới phụ thuộc vào nỗ lực của chúng ta
Trong ngày làm việc đầu năm Bính Thân, chúng ta lại trân trọng đón đọc bài viết súc tích của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức-Hành động của chúng ta” về các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định TPP và FTA với EU.
- 12-02-2016Chuyện chưa kể về các FTA: Những đòn cân não và chuyện thể chế kinh tế
- 09-02-2016Thị trường lao động và mùa xuân FTA
- 30-01-2016Doanh nghiệp Việt chỉ tận dụng được 30% lợi ích từ các FTA
Tích cực và chủ động hội nhập quốc tế
Bài viết của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh sự kiện: Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết là “thành quả của tiến trình 30 năm đổi mới, trong đó hội nhập kinh tế quốc tế là một nội dung quan trọng, ngày càng được khẳng định mạnh mẽ và kiến giải sâu sắc qua các Nghị quyết của Đảng” và “Hội nhập kinh tế quốc tế còn là một nội hàm quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường hiện đại định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng”.
Để tiếp tục phát triển đất nước trong giai đoạn mới không thể tách rời việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại, làm cho kinh tế-xã hội nước ta phát triển theo tiến trình chung của nhân loại. Đó chính là một điều kiện quan trọng về thể chế để đất nước có thể tiến nhanh trên con đường phát triển thịnh vượng và công bằng xã hội trong điều kiện thị trường cạnh tranh gay gắt và tiến bộ KHCN mau lẹ.
Thành quả ký kết và thực hiện có kết quả các Hiệp định FTA của Đông Nam Á và Hiệp định Thương mại với Hoa Kỳ (BTA) đã cho Việt Nam những kinh nghiệm thực tiễn, đi nhanh vào hội nhập quốc tế, mà các nền kinh tế có trình độ phát triển hơn có khi còn phải đắn đo.
Thương mại Việt Nam với Hoa Kỳ chỉ sau một năm ký kết và thực hiện BTA đã có giá trị như đối tác hàng đầu, với việc Việt Nam xuất siêu liên tục nhiều năm sang đất nước có kinh tế hùng mạnh nhất thế giới.
Những quy định của FTA với ASEAN cho ta thử nghiệm, các điều kiện “khắt khe” chưa từng trải nghiệm trong BTA, nhất là các quy định về sở hữu trí tuệ đã tạo cơ hội để Việt Nam đi nhanh vào thể chế kinh tế hiện đại của thời kỳ hội nhập và cách mạng KHCN.
Việc ký kết và thực hiện WTO có vẻ gặp khó khăn nhiều hơn, một phần gặp đúng lúc kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ 2007-2008, trong khi sự chuẩn bị của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa theo kịp yêu cầu.
Ngay trong điều kiện khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước 5-10 năm qua, “Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã chấp thuận đề nghị của Chính phủ về đàm phán tham gia một số Hiệp định Thương mại tự do mới. Đây là những Hiệp định có mức độ cam kết mở cửa thị trường cao hơn cam kết trong WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký trước đây”, phản ánh tư duy sắc bén, tầm nhìn thời đại của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta, kiên trì và kiên quyết đưa nước ta tích cực và chủ động hội nhập quốc tế.
Ký kết và thực hiện nghiêm các hiệp định FTA, nhất là các FTA kiểu mới, thể hiện tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh, nỗ lực vượt qua thách thức, tranh thủ cơ hội để vươn lên phát triển nhanh và bền vững.
Đó cũng là tinh thần dám chấp nhận thách thức để chủ động vươn lên, thực hiện thành công đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế… là con đường nhanh nhất để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, khắc phục tình trạng lạc hậu và có mặt khác biệt khá nhiều so với thế giới, sớm thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đây còn là sự khẳng định niềm tin vào ý chí, khả năng và sức mạnh của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, vươn lên cùng nhân loại, tiến kịp thời đại. Chủ trương đúng của Đảng đã được các cơ quan Chính phủ mà trực tiếp là Đoàn đàm phán liên ngành chủ động và kiên trì thực hiện, thông qua đàm phán có tính xây dựng, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc.
TPP được ký kết bảo đảm tôn trọng thể chế chính trị của mỗi nước; thừa nhận yêu cầu phải tuân thủ đầy đủ pháp luật quốc gia, phù hợp với các cam kết quốc tế và không bao gồm các nội dung liên quan đến quốc phòng, an ninh. Đó là những vấn đề ngoài kinh tế không thể xem thường và đã đạt được kết quả tốt.
Hiệp định FTA thế hệ mới
Điều đáng ghi nhận là việc ký kết thành công các FTA thế hệ mới (TPP và FTA với EU) là kết quả của quá trình tổng kết thực tiễn hội nhập kinh tế quốc tế và cả việc đề xuất các giải pháp chủ động để đi tới các Hiệp định mà Việt Nam là thành viên đầu tiên - nước đồng sáng lập. Nhờ vậy, các lợi ích cơ bản của đất nước có thể giữ vững, đồng thời đất nước có thể chủ động ứng phó với tình thế mới.
Điều đáng ghi nhận là, TPP và FTA với EU là những Hiệp định toàn diện, không chỉ bó hẹp trong thương mại và đầu tư như các FTA thông thường, bảo đảm cân bằng lợi ích, với những cam kết mở cửa thị trường sâu rộng cả về thương mại hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở mức cao và những cam kết về thể chế kinh tế thị trường, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm công… nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và cạnh tranh công bằng. Các Hiệp định này còn bao gồm các nội dung tuy không phải là thương mại trực tiếp nhưng có liên quan đến thương mại như đấu thầu, môi trường, sở hữu trí tuệ, lao động và công đoàn.
Với những nội hàm chủ yếu nêu trên, TPP cùng với FTA Việt Nam-EU được gọi là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Điều đáng ghi nhận nữa là, so với 10 nước trong Cộng đồng ASEAN, Việt Nam là nước chủ động và tích cực thương lượng, ký kết các FTA nhiều nhất, để đưa Việt Nam vươn lên trong cạnh tranh toàn cầu, ký kết FTA với 55 nước, trong đó có 15 nước G20.
Điều cần ghi nhận là các FTA ký trong TPP và với EU có đặc điểm là Việt Nam không chỉ có cơ hội trực tiếp “làm ăn” với các nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, mà trên nhiều phương diện lại có khả năng bổ sung cho Việt Nam, tránh tình trạng “đụng hàng” hay “lệ thuộc” như với một số nước.
Đó chính là thực hiện sáng tạo phương thức đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ kinh tế, chủ động tiến hành cạnh tranh toàn diện trên tầm cao mới để tạo nên thế độc lập tự chủ trong môi trường cạnh tranh gay gắt hiện nay trên thế giới và khu vực về cả kinh tế và địa chính trị.
Tương lai tùy thuộc hành động của chúng ta
Điều làm cho người đọc bài viết của Thủ tướng Chính phủ thêm vững tin ở tương lai, chính là đã vạch rõ cả cơ hội và thách thức khi thực hiện các FTA thế hệ mới. Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng người ta hay viết về các cơ hội mới, về giảm thuế… và về các khó khăn trong cạnh tranh một cách tách rời nhau. Bài viết của Thủ tướng Chính phủ nói về cơ hội và thách thức một cách rõ ràng, sâu sắc, đồng thời nhấn mạnh khả năng chuyển hóa một cách biện chứng, tạo nên lợi thế cạnh tranh rất sâu sắc. Từ đó, chỉ ra định hướng của chương trình hành động của cả nước.
Về cơ hội mới, bài viết nhấn mạnh không chỉ vấn đề giảm thuế, mở rộng thị trường đơn giản, mà đã gắn kết các lợi thế này với bối cảnh mới. Bài viết nhấn mạnh “trong điều kiện công nghệ thông tin, Internet phát triển bùng nổ, các giao dịch xuyên biên giới ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong thương mại, dịch vụ toàn cầu; cùng với những tiến bộ trong vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics, ranh giới giữa thị trường trong nước và thị trường nước ngoài gần như bị san phẳng.
Hệ quả là, các mô hình công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu hoặc hướng về xuất khẩu không còn nguyên ý nghĩa kinh điển của nó”. Như vậy, các lợi thế có được sẽ được hiểu là lợi thế so sánh “động”, đặt trong điều kiện mới của KHCN và giao lưu quốc tế. Ký kết và thực hiện các FTA không chỉ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hay xử lý quan hệ xuất khẩu và tăng cường “nội nhu” theo nghĩa kinh điển.
Khi Việt Nam đã là một thành viên của Cộng đồng ASEAN từ 2016, trong đó có cộng đồng kinh tế thì các rào cản chia tách nội ngoại thương như xưa cần được hiểu với nội hàm mới, để kinh tế Việt Nam có thể chủ động tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, từng bước chiếm tỷ trọng ngày càng cao của chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu này. Đó là phương thức để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thực hiện khát vọng tăng trưởng nhanh, bền vững trong điều kiện mới.
Bài viết của Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu ra các khó khăn và thách thức mới và đòi hỏi chất lượng mới của nền kinh tế.
Người đọc rất đồng tình với bài viết ở chỗ nhấn mạnh vai trò của hoàn thiện thể chế quản trị quốc gia như yếu tố quan trọng nhất đến cạnh tranh vĩ mô và phát triển; phải xử lý đúng mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, doanh nghiệp và xã hội. Một lần nữa, Thủ tướng nhấn mạnh rõ ràng và đúng đắn về vai trò kiến tạo phát triển của Nhà nước.
Bài viết đã nhấn mạnh “Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng kiến tạo phát triển, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô; xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch và tổ chức bộ máy quản lý để tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh công bằng; sử dụng nguồn lực của Nhà nước, các chính sách và công cụ điều tiết để phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống người dân; bảo vệ môi trường; bảo đảm các dịch vụ công thiết yếu, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội”.
Từ đó bài viết làm rõ vị trí của thị trường và doanh nghiệp; cũng như xã hội, các tổ chức, hội đoàn và nhà nghiên cứu… để cùng nhau chung sức phát triển, mà lâu nay chúng ta chưa coi trọng đúng mức, trong khi Nhà nước lại nặng về quản lý hành chính. Đây chính là cơ hội để đổi mới thể chế, bao gồm khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy, công chức và mối tương tác với doanh nghiệp và xã hội.
Những đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sau Hiến pháp mới 2013, hay Nghị quyết số 19 của Chính phủ (2014, 2015) về cải thiện môi trường kinh doanh tuy đã đạt một số kết quả, mở ra triển vọng mới, nhưng cũng gặp rất nhiều rào cản bởi lợi ích cục bộ và hàng loạt “giấy phép con”. Điều đó cho thấy, con đường cải cách thể chế còn nhiều gian khó, nhưng không thể không kiên quyết thực hiện kỳ được.
Bài viết cũng nêu ra hàng loạt công việc cần làm ngay, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của tiến trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đẩy nhanh áp dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế.
Cũng chỉ trên cơ sở đổi mới thể chế phù hợp mới tạo điều kiện cho quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn và một nền nông nghiệp sạch, có giá trị gia tăng cao, ổn định nguồn cung để có thể tăng nhanh thị phần trên thị trường thế giới.
Cũng có hàng loạt công việc về đổi mới DNNN. Và trước hết, cần có ngay các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chương trình hành động toàn diện của Chính phủ, các ngành, các cấp và doanh nghiệp để thực hiện thành công hội nhập quốc tế. Cũng cần có nhiều giải pháp cụ thể trong truyền thông, xây dựng cơ sở dữ liệu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện các FTA thế hệ mới.
Khó khăn thách thức còn lớn và sẽ xuất hiện. Nhưng vượt lên khó khăn, chuyển bất lợi thành các lợi thế cạnh tranh mới là cách thức mà chúng ta cần theo đuổi. Tương lai phụ thuộc vào nỗ lực và sự đồng thuận của tất cả chúng ta.
Bài viết của Thủ tướng Chính phủ rất sâu sắc và toàn diện. Hưởng ứng bài viết, người đọc ghi nhận lại một số nhận thức ban đầu và thể hiện sự đồng tình cao đối với niềm tin vào tương lai của đất nước “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp chúng ta hãy nêu cao niềm tự hào dân tộc, chung sức đồng lòng, chủ động khai thác và phát huy tốt nhất cơ hội thuận lợi, nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức trong hội nhập, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến cùng thời đại, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn”.