Trung Quốc hưởng lợi TPP thay: Việt Nam ưu đãi thêm!
Một loạt dự án xây dựng KCN dệt,may được cấp phép, đang làm thủ tục xin phép địa phương trong đó có tới 90% là nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.
- 27-05-2014Trung Quốc hưởng lợi TPP thay Việt Nam: Vá thêm lỗ hổng!
- 21-05-2014Đầu tư dệt may đón TPP: Trung Quốc hưởng lợi thay Việt Nam?
- 21-05-2014Đầu tư dệt may đón TPP:Trung Quốc hưởng lợi thay Việt Nam?
Phải có chính sách ưu đãi
Tại Nam Định, vừa qua Công ty Luenthai (Hong Kong, Trung Quốc) Công ty Foshan Sanshui Jialida (Trung Quốc) dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công xây dựng KCN dệt may có quy mô gần 1.500 ha tại Nghĩa Hưng với tổng kinh phí xây dựng dự án khoảng 400 triệu USD.
Trước đó, vào tháng 3/2014, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Tập đoàn Dệt may YULUN Giang Tô (Trung Quốc) xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD (tương đương hơn 1.400 tỷ đồng) tại khu công nghiệp Bảo Minh. Dự án có công suất sản xuất sợi 9.816 tấn/năm; dệt 21,6 triệu mét/năm; nhuộm 24 triệu mét/năm.
Trao đổi với PV Đất Việt, ông Đỗ Ngọc Hòa – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nam Định cho biết dự án KCN dệt may với quy mô gần 1.500 ha tại Nghĩa Hương, để làm được còn lâu do còn liên quan đến đất đai, hạ tầng, hiện nhà đầu tư đang đề xuất với tỉnh chưa thật rõ ràng. Chấp thuận thế nào tỉnh còn phải xin ý kiến của các Bộ ngành trung ương.
“Khi các nhà đầu tư nước ngoài đề xuất việc đặt khu công nghiệp tại Nam Định, Sở cũng có những ý kiến của mình để tham gia góp ý cho tỉnh. Hiện phía nhà đầy tư chưa có phương án cụ thể về việc sử dụng nhân công bao nhiêu và đóng mức thuế bao nhiêu…”, ông Hòa nói.
Thực tế, để xây dựng KCN tại Nghĩa Hưng, phía nhà đầu tư đã đề nghị Nam Định cho phép xây dựng một nhà máy điện, một cầu cảng vận chuyển hàng hóa để phục vụ hoạt động của khu công nghiệp.
Về những đề xuất này, ông Đỗ Ngọc Hòa cho hay, khi các nhà đầu tư này quyết định đầu tư ở Nam Định thì đương nhiên tỉnh phải có những chính sách ưu đãi đầu tư.
Không những tại Nam Định, vừa qua tại nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, nhiều nhà đầu tư đến từ Hong Kong, Đài Loan, Trung Quốc đã tham gia vào lĩnh vực dệt, nhuộm.
Đơn cử như tại Long An, công ty Huafa Hong Kong cho biết sẽ đầu tư dự án nhà máy kéo sợi màu tại Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng, thuộc xã Long Định, huyện Cần Đước, Long An với diện tích 20,38ha, tổng vốn đầu tư khoảng 2.856 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Tiều - Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh long An cho biết, trong phương án hoạt động, nhà đầu tư cho biết sẽ sử dụng khoảng 3.000 lao động địa phương và chưa đề xuất ưu đãi nào, mức thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Đầu tháng 5 vừa qua, Tập đoàn Yulon (Đài Loan) cũng đã quyết định triển khai dự án Nhà máy Dệt công nghệ cao tại Khu công nghiệp Đồng Văn II, huyện Duy Tiên (Hà Nam) với tổng vốn đầu tư 150 triệu USD trên diện tích khoảng 24ha.
Ông Phạm Bá Tùng - Phó Trưởng ban Ban quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Hà Nam cho biết, hiện các nhà đầu tư vẫn chưa trình các phương án kinh doanh cụ thể, cũng như các ưu đãi họ mong muốn từ địa phương.
FDI Trung Quốc tăng 1,6 lần
Theo số liệu thống kê đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới công bố, lũy kế các dự án có hiệu lực đến ngày 20/5/2014 Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 9 trong số 101 nước với 1.029 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,8 tỷ USD.
So với Nhật Bản - quốc gia có tổng vốn đầu tư đăng ký nhiều nhất vào Việt Nam với 35,8 tỷ USD, Nhật Bản có số các dự án nhiều hơn Trung Quốc 1.259 dự án nhưng có tổng vốn đầu tư đăng ký gấp khoảng 4,6 lần.
Trung Quốc tranh thủ việc VN là thành viên TPP để ồ ạt đầu tư các nhà máy dệt, nhuộm tại VN |
Trong khi cùng kỳ năm ngoái, Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 13 với 913 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,7 tỷ USD - con số chỉ bằng 1,6 lần so với 5 tháng đầu năm 2014.
Riêng với ngành dệt, nhuộm kể từ năm 2013 Việt Nam đã đón một làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này mà trong đó nhà đầu tư Trung Quốc chiếm đến 90%.
Việc các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực này, một trong số những nguyên nhân chính là do Trung Quốc muốn lợi dụng việc Việt Nam sẽ trở thành thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.
Trong TPP có quy định nếu hàng bán trong các nước thành viên TPP sẽ được hưởng mức thuế suất 0% nhưng với điều kiện tất cả các nguyên liệu để sản xuất phải có nguồn gốc từ chính nước bản địa hoặc nhập từ các nước thành viên TPP.
Trong khi đó, Việt Nam chủ yếu nhập nguyên liệu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, họ muốn được hưởng họ phải lập doanh nghiệp ở Việt Nam, chứng minh với các thành viên TPP, hàng này là hàng sản xuất ở Việt Nam.
Ngoài ra cũng có một nguyên nhân khác mà TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, do xu hướng mở rộng cửa đón đầu tư của Việt Nam hiện nay như việc dự thảo các Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư sửa đổi theo hướng “không ghi ngành nghề đăng kí kinh doanh trong giấy chứng nhận đăng kí kinh doanh”, “các doanh nghiệp được phép thực hiện các việc mà luật pháp không cấm”, trong khi việc quản lý doanh nghiệp theo xu hướng “mở” này chưa thấy rõ.
Theo đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ, công nghệ yếu sẽ có điều kiện tràn vào Việt Nam, và với tình trạng quản lý nhà nước về FDI trên địa bàn còn bất cập về môi trường (như vụ xả thải của Vedan trước đây), về công nghệ, về lao động thời gian qua tại Việt Nam (như việc một số doanh nghiệp có vốn FDI vừa qua bị các phần tử xấu đập phá nhân việc Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế đưa giàn khoan vào vùng biển đặc quyền kinh tế của VN).
Các nhà đầu tư loại này đã nhìn thấy cách “luồn – lách”, tận dụng các lợi thế của Việt Nam về thị trường, về nguồn lao động, về lỏng lẻo trong quản lý nhà nước tại địa bàn đầu tư… để đầu tư vào Việt Nam kiếm lời.
Theo Tâm An