Trung tâm thương mại, ế vẫn xây: Có nên xây lúc này?
Xây trung tâm thương mại theo quy hoạch hay theo nhu cầu thực chất của thị trường? Có nên đập chợ truyền thống để làm trung tâm thương mại trong thời điểm hiện nay?…
- 25-09-2014Trung tâm thương mại: Ế vẫn xây
- 20-09-2014Chợ Tân Bình sẽ thành trung tâm thương mại
- 17-09-2014Trung tâm thương mại đìu hiu và nỗi buồn mất chợ truyền thống
Thực tế, qua ghi nhận của phóng viên, hầu hết các mô hình chợ kết hợp TTTM được xây dựng từ nền chợ truyền thống đều rơi vào tình trạng ế ẩm, cả tiểu thương lẫn khách đều không mặn mà, mặc dù trước đó - khi còn là chợ - các khu mua sắm này rất sầm uất.
Chợ - TTTM Hàng Da (phố Hàng Da) nằm ở vị trí “đất vàng” thuộc trung tâm TP Hà Nội, kinh phí xây dựng lên đến 250 tỉ đồng với 400 hộ kinh doanh nhưng sức mua lại èo uột. Hiện TTTM này đã đổi tên thành Hà Nội Square với chính sách miễn phí thuê mặt bằng trong 1 năm để thu hút tiểu thương nhưng vẫn không thoát khỏi cảnh ế ẩm. Nhiều gian hàng bỏ trống, treo biển chuyển nhượng, thậm chí mặt bằng tầng 3 đang được trưng dụng cho thuê hội nghị, đám cưới.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại các TTTM đã đi vào hoạt động như chợ - TTTM Cửa Nam, chợ 19-12, chợ Bưởi…
Phải thận trọng
Theo PGS-TS Hoàng Thọ Xuân, chuyên gia Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), xu hướng chuyển đổi sang mô hình siêu thị, TTTM là tất yếu nhưng không thể chuyển đổi nhanh được. Chợ phục vụ phân khúc khách hàng trung bình, trong đó giá trị cốt lõi là hàng hóa và cung cách buôn bán của chợ không thể mang vào siêu thị, TTTM.
Thất bại của việc phá chợ, xây TTTM ở Hà Nội là bài học lớn. Nhu cầu mua sắm đang chững lại nên nếu đầu tư xây TTTM giai đoạn này phải rất thận trọng.
Chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng chỉ ra rằng các công trình xây dựng chợ kết hợp TTTM thường không lấy mục tiêu thương mại làm mục tiêu chính mà lợi dụng các khu đất vàng để xây dựng, cho thuê văn phòng, cửa hàng, thậm chí tiểu thương cũng phải trả phí thuê mặt bằng, phí dịch vụ khác… thì thất bại là điều đương nhiên.
“Cách xây dựng nâng cấp chợ truyền thống thành chợ - TTTM đã làm thay đổi chủ thể của các khu thương mại, tức là tiểu thương không còn đóng vai trò chủ chốt trong chợ thì tất nhiên là hoạt động trao đổi buôn bán sẽ èo uột như đã thấy” - ông Thắng nhận xét.
>>> Trung tâm thương mại: Ế vẫn xây
Lo chợ Cồn, chợ Hàn “biến dạng” TP Đà Nẵng vừa đưa ra các phương án quy hoạch chợ Cồn và chợ Hàn thành các TTTM nhằm tạo “điểm nhấn” cho thành phố vừa giữ chợ truyền thống. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng 2 chợ này không đơn thuần là nơi mua sắm mà còn mang nét đặc trưng, có bề dày về văn hóa; còn tiểu thương thì lo mất khách. Dự án TTTM chợ Cồn được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt với diện tích 24.736 m2. Trong đó TTTM chiếm 13.517 m2, dự kiến xây 2 tầng hầm, khối đế 5 tầng và 2 khối tháp từ 25-33 tầng. Mô hình hoạt động của dự án này là TTTM kết hợp với căn hộ, khách sạn và cả chợ truyền thống. Còn TTTM chợ Hàn được quy hoạch với diện tích gần 5.800 m2. Sở Xây dựng Đà Nẵng đưa ra 3 phương án xây dựng, trong đó có phương án giữ nguyên hiện trạng chợ ở đường Trần Phú và xây mới khối tháp 26 tầng ở mặt đường Bạch Đằng. “Chợ mặc dù cũ nhưng càng cũ càng phải nên lưu giữ. Có muốn làm mới thì chỉ nên cải tạo, nâng cấp lại nhưng không thay đổi bản chất để giữ nguyên nét đặc trưng vốn có từ rất lâu đời” - bà Trần Thị Hải, tiểu thương buôn bán ở chợ Hàn 46 năm nay, lo lắng. |
Theo B.Vân