MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Nguyễn Thành Sơn: Vinacomin đã ngấm rủi ro?

Việc Nhà nước đang “lờ” đi 2 khoản thu địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch I đối với các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản đã là một chính sách “đặc biệt” chưa có tiền lệ ở VN rồi.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm “vùng mỏ bất khuất” (11/1936-11/2013) Đất Việt có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Thành Sơn- Giám đốc BQL các dự án Than ĐBSH-Vinacomin về các hoạt động của tập đoàn, đặc biệt là việc Vinacomin vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết để Vinacomin được hưởng một số chính sách ưu đãi đối với việc đưa vào hoạt động 2 dự án bauxite - Alumin tại Tân Rai (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông).

PV: - Thưa ông mới đây Vinacomin lại đưa ra thông tin muốn xin cơ chế chính sách đặc biệt đối với 2 dự án alumin Lâm Đồng và alumin Nhân Cơ. Cụ thể, doanh nghiệp này muốn được chính phủ bảo lãnh vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại và phát hành trái phiếu cho hai dự án trên. Đây có phải là đề xuất hợp lý không và tại sao, đặc biệt khi Việt Nam đang đối diện với gánh nặng nợ công lớn như hiện nay, thưa ông?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Trước hết, đối với các dự án khai khoáng (thuộc loại “đào lên để ăn”) thì không cần cơ chế chính sách gì đặc biệt. Việc Nhà nước đang “lờ” đi 2 khoản thu địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch I đối với các dự án khai thác tài nguyên khoáng sản đã là một chính sách “đặc biệt” chưa có tiền lệ ở VN rồi.

Đối với 2 dự án alumina, việc Vinacomin đề nghị chính phủ bảo lãnh vốn vay ưu đãi cho thấy: (I) chủ đầu tư đã bắt đầu “ngấm” sự rủi ro (kém hiệu quả) của cả hai dự án đã được cảnh báo trước; và (II) sự mâu thuẫn trong tư duy triển khai dự án của chủ đầu tư. Cái “lý” ở đây chắc Vinacomin dựa vào cái ‘chân’ là dự án thuộc “vùng sâu vùng xa”. Rất tiếc là khi triển khai cả hai dự án này, Vinacomin chỉ làm những công trình thuộc phạm vi dự án, không những không tham gia phát triển hạ tầng cơ sở (giao thông), mà còn làm trầm trọng hơn việc mất cân đối về cơ sở hạ tầng (các điều kiện) để phát triển vùng sâu vùng xa.

Còn việc phát hành trái phiếu thì tôi rất e ngại khả năng thanh toán của cả hai dự án này. Vừa qua, Vinacomin tự cho rằng đã “thành công” trong việc phát hành mấy nghìn tỷ đồng trái phiếu. Nhưng thực ra, Vinacomin phải chấp nhận lãi suất rất cao nên mới “thành công”. Nếu xét kỹ cả khả năng thanh toán thì sự “thành công” này đã phải trả cái giá quá đắt. Và hậu quả thì cũng khó lường.
.
Điều đáng lưu ý là đề xuất này được đưa ra đồng thời với việc Vinacomin “tăng cường hợp tác” với đối tác nước ngoài (vừa trong phát triển dự án, vừa trong tiêu thụ sản phẩm). Nếu xét từ phía Vinacomin, đề xuất này của Vinacomin là rất “hợp lý” vì chẳng còn cái “phao” nào khác.

Về lâu dài, tôi e rằng cả hai dự án alumina của Vinacomin trên Tây Nguyên sẽ dẫn đến một trong hai khả năng: hoặc phải chấp nhận lỗ, hoặc phải bán lại cho nước ngoài. Còn bán cho ai và ai có khả năng mua thì chỉ Vinacomin mới dự tính được.

PV: - Ngoài ra, Vinacomin còn đề xuất giảm thuế môi trường với hai dự án bauxite này. Trước đó, hai dự án đã được áp mức thuế xuất khẩu 0%. Ông đánh giá như thế nào về một dự án khai thác tài nguyên mà xin giảm thuế tới mức tối đa để có lãi? Xét trên khía cạnh kinh tế, theo ông, những dự án như thế này thường được xử lý như thế nào?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Đối với các dự án thuộc ngành khai khoáng, cái quan trọng nhất là “thuế tài nguyên” phải được xác lập trên cơ sở “tô tài nguyên” gồm địa tô tuyệt đối và địa tô chênh lệch I mà doanh nghiệp phải nộp cho nhà nước (chủ sở hữu) vì tài nguyên khoáng sản thuộc sở hữu toàn dân đã được hiến định. Địa tô chênh lệch II thì chủ đầu tư được hưởng. Còn địa tô độc quyền thì ở VN không có. Thông thường, thuế (“tô”) tài nguyên này khoảng 30% giá trị.

Các loại thuế khác (thuế môi trường, thuế xuất khẩu, thuế doanh nghiệp v.v.) theo các qui định chung. Trong đó, thuế xuất khẩu phải căn cứ vào chính sách (vì giảm hay miễn thuế xuất khẩu thì chỉ có lợi cho người bán và người mua, còn nhà nước hay địa phương chẳng có lợi ích gì). Còn thuế môi trường trong khai khoáng ở VN hiện chưa có cơ sở khoa học nào cả.

Vinacomin vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giảm thuế tài nguyên, phí môi trường để có lãi.
Vinacomin vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan giảm thuế tài nguyên, phí môi trường để có lãi.

PV: - Trở lại trường hợp của Vinacomin, tập đoàn này liên tục đưa ra lý do về tài chính, không có lãi để xin giảm thuế, phí…. Mới đây khi trao đổi về việc tái cơ cấu các tập đoàn nhà nước, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh có nói rằng sẽ bán nhanh những doanh nghiệp thua lỗ. Theo ông, trong trường hợp này, phải tái cơ cấu Vinacomin thế nào để đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Phải tái cơ cấu Vinacomin như thế nào là một câu hỏi còn hết sức thời sự. Vì tái cơ cấu như Vinacomin đang làm chỉ là “đánh bùn sang ao”, mang tính đối phó, và để củng cố thêm cái vị thế làm “mẹ” không cần thiết của Vinacomin.

Đề án tái cơ cấu của Vinacomin không có mô hình tăng trưởng (vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu, miễn giảm thuế, tăng giá bán), không có mục tiêu là nâng cao năng lực cạnh tranh (vẫn duy trì “kế hoạch phối hợp kinh doanh” trái với tinh thần của luật Doanh nghiệp), không có đổi mới về quản lý (vẫn duy trì cơ chế xin-cho ngày càng tập chung), không có hoàn thiện về tổ chức sản xuất theo đặc thù của ngành khai khoáng (vẫn duy trì tổ chức theo các “ghế” giám đốc đã được định sẵn) v.v.

Một tín hiệu đáng mừng là, gần đây Chính phủ đã phá vỡ thế độc quyền của Vinacomin bằng việc tách Tổng công ty Đông Bắc ra khỏi “nồi cơm chung” có tên gọi là Vinacomin. Hy vọng chủ trương đúng đắn này sẽ là sợi chỉ đỏ cho việc tái cơ cấu Vinacomin một cách thực sự.

Việc “bán” những doanh nghiệp “thua lỗ” trong Vinacomin không khả thi. Đã lỗ thì làm sao bán được, chỉ có đem “cho” thì may ra có người nhận. Nhiều mỏ, nhiều doanh nghiệp trong Vinacomin đã được cổ phần hóa rồi (chiếm khoảng 50%), nhưng có thu được gì đáng kể đâu. Vì mới chỉ cổ phần hóa được 1 cái “ngọn”, còn 2 cái “gốc” thì chưa.

Để tái cơ cấu Vinacomin có hiệu quả cần phải làm nhiều việc. Trước hết, phải phân bổ lại nguồn lực sản xuất sao cho “mẹ” ra “mẹ”, “con” ra “con”, “cháu” ra “cháu”. Các “con” phải bề vai với “con”, “cháu” phải bề vai với “cháu”. “Mẹ” phải đàng hoàng, sòng phẳng, minh bạch, công khai và chỉ nên đóng vai trò hướng dẫn (quản lý cạnh tranh và chiến lược phát triển v.v.).

PV: - Trước những khó khăn của Vinacominy, theo ông, Quốc hội có nên yêu cầu Vinacomin minh bạch báo cáo và đưa ra những quyết sách phù hợp không?

TS. Nguyễn Thành Sơn: - Việc công khai minh bạch là cần thiết nhất là bây giờ, sau 5 năm, mọi việc đã rõ đến từng chi tiết thì việc minh bạch trước QH là hết sức khả thi và cần thiết. Tôi nghĩ, chẳng có lý do gì để Bộ Công Thương và Vinacomin không báo cáo rõ ràng với Quốc hội về những vấn đề như: các con số dự báo tính toán trước đây đến nay thực tế như thế nào, vốn đầu tư đã tăng lên chóng mặt như thế nào, nhà thầu đã được lựa chọn chính xác đến mức nào, các thông số cam kết bảo hành của dự án đạt được mức nào, tiêu hao khoáng vật, vật tư, nhiên liệu, nước, hóa chất như thế nào, sản phẩm alumina có chi phí sản xuất bao nhiêu, đóng góp ngân sách địa phương bao nhiêu, đang được xuất khẩu cho ai, chỉ có 1 người mua là ai, với giá xuất khẩu bao nhiêu v.v. Tôi chỉ nghĩ, trắng hay đen đến nay đã rõ. 

Tôi tin một nhóm các nhà khoa học độc lập có thể tư vấn đầy đủ cho QH, cho Chính phủ, cho Bộ Công Thương và cho Vinacomin về vấn đề này. Tôi chỉ có thể đưa ra những ý kiến cá nhân, chịu trách nhiệm và sẵn sàng trao đổi (hay tranh luận) với bất kỳ ai (hay cơ quan nào) về về những ý kiến đó.

Việc phát hành trái phiếu và/hoặc cổ phần hóa, và/hoặc vay nợ nước ngoài cho hai dự án này cần hết sức tránh. Đã đến lúc chúng ta phải nghĩ đến việc xử lý hậu quả của hai dự án này với tiêu chí thiệt hại nhỏ nhất có thể chấp nhận được.

Xin cảm ơn ông!

  • Theo Ngọc Lê 

thunm

Báo Đất Việt

Trở lên trên