MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Trần Đình Thiên: Có khi lực lượng hiểu TPP yếu nhất lại là... quan chức

Cần phải mời quan chức đi nghe về TPP, hiểu về TPP và các vấn đề của doanh nghiệp bởi có khi chính lực lượng hiểu về TPP yếu nhất lại chính là các quan chức và ít chia sẻ với doanh nghiệp nhất.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã bày tỏ nỗi lo ngại khi TPP đang đến gần nhưng chính các doanh nghiệp – những đối tượng chịu tác động nhiều nhất lại vẫn đang “lơ mơ” về hiệp định này.

“Làm thế nào để TPP đến được với các doanh nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể, sản phẩm cụ thể chứ không phải chỉ nói chung cung. Do đó, cần phải có cách tiếp cận cụ thể, nếu chỉ dừng lại phổ biến, tuyên truyền như hiện nay thì rất lơ mơ” – TS. Trần Đình Thiên đặt câu hỏi.

Trước đó, ông Đặng Văn Ngọ, đại diện của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết đã tiếp cận bản toàn văn bằng tiếng Việt của TPP mà Bộ Công Thương công bố. Tuy nhiên, là chuyên gia hoạt động 30 năm song vị này cũng phải thừa nhận là, nội dung văn bản TPP rất “khó hiểu” và không tiêu hóa nổi.

“Bản thân tôi đọc rất khó hiểu, nên tôi tự đặt câu hỏi là liệu nhiều DN có hiểu không khi đây là những đối tượng chịu tác động nhiều nhất? Nên chăng là Bộ Công Thương cần chắt lọc ra những điểm đáng lưu ý với doanh nghiệp nhỏ và vừa, những gì thuận lợi, thách thức để doanh nghiệp dễ tiếp cận” – ông Ngọ đề xuất.

TPP đang trở thành chủ đề được bàn luận nhiều nhất trong thời gian gần đây khi đây được đánh giá là Hiệp định mang tính thế kỷ, có thể thiết lập luật chơi mới và chiếm tỷ lệ lớn trong GDP toàn cầu. Do vậy, việc tham gia Hiệp định này đặt ra nhiều kỳ vọng cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào sân chơi toàn cầu, nâng cao năng lực.

Thế nhưng, các chuyên gia lo ngại không những doanh nghiệp còn “lơ mơ” về hội nhập, mà đến cả quan chức, là những người sẽ định hướng, hướng dẫn cho doanh nghiệp hiểu hơn về TPP, thậm chí còn không biết gì về TPP.

TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương đưa ra một so sánh đáng lo ngại rằng: “Chúng ta nói rằng có khoảng 30% doanh nghiệp đang không hiểu biết gì về hội nhập nhưng tỷ lệ quan chức biết về hội nhập còn thấp hơn nhiều”.

Ngay chính cả các quan chức không biết hiểu biết hết về hội nhập nói riêng và TPP nói chung, đặt ra nhiều lo ngại cho chính doanh nghiệp khi những tuyên truyền về TPP hiện nay chưa thể đáp ứng được nhu cầu về thông tin. Theo TS. Trần Đình Thiên, cơ hội thì có nhiều nhưng vấn đề là chúng ta có biết tận dụng cơ hội hay không, hay lại chỉ là những thách thức lớn mà hội nhập đang đặt ra.

Dẫn chứng là hiện nay, ngay chính trên thị trường nội địa, ngay khi Việt Nam đàm phán và ký kết TPP thì đã có một luồng FDI đổ vào Việt Nam. TS. Thiên đặt câu hỏi: “Có phải ta ký TPP mang lại ưu đãi để cho DN nước ngoài vào Việt Nam tận hưởng hay không? Nhất là khi Trung Quốc thừa đủ năng lực, họ đầu tư vào. Mục tiêu của ta là làm sao người Việt Nam được hưởng lợi”.

Do đó, các chuyên gia đều cho rằng các Bộ ngành liên quan cần chú trọng thực lực của doanh nghiệp Việt Nam, năng lực của doanh nghiệp trên chính thị trường nội địa. Cũng bởi nếu không có chính sách, thì khi các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, có thể chính doanh nghiệp nội sẽ phải tự loại bỏ chính mình trên cuộc chơi ở sân nhà.

 

--

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên