TS Trần Du Lịch: Thời điểm này nên tính tăng bội chi ngân sách
Nhiều báo cáo của Quốc hội cho rằng tình hình kinh tế đang rất khó khăn nhưng giải pháp đưa nền kinh tế hồi phục trở lại hiện nay chưa rõ ràng.
Các báo cáo đánh giá của Quốc hội, các uỷ ban: Kinh tế, Uỷ ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội đều cho rằng tình hình kinh tế đang rất khó khăn, bế tắc nhưng giải pháp để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, hồi phục trở lại hiện nay chưa rõ ràng. Ngày 21.5, TS Trần Du Lịch, thành viên uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nói về vấn đề này:
Nếu bằng giờ này năm ngoái, bắt đầu nghẽn là do nợ xấu tăng và chính sách tín dụng phục vụ cho mục tiêu kiềm chế lạm phát từ năm 2011 đã hạn chế cho vay bất động sản. Tuy nhiên do yêu cầu kiềm chế lạm phát và tình hình nợ xấu tăng cao nên tín dụng 2012 không tăng trưởng, điều chỉnh được.
Năm ngoái thì yêu cầu gay gắt là phải giảm lãi suất nhưng giờ này công cụ lãi suất tác dụng không nhiều nữa. Thực tế thì có nhiều doanh nghiệp hiện nay hoàn toàn có thể vay vốn ở mức 8 – 9% nhưng họ không có nhu cầu vay và ở đây thấy rằng là hệ quả là doanh nghiệp yếu đi nhiều, khả năng hấp thụ không có.
Hiện nay nếu chúng ta chỉ trông chờ chính sách lãi suất về tiền tệ là không đủ. Bây giờ, chính sách tiền tệ dư địa không còn lớn nữa và tôi nghĩ rằng trong hiện nay muốn vực dậy nền kinh tế để ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp tiếp tục thua lỗ giải thể phá sản thì chúng ta phải dùng đến chính sách tài khoá.
Đây là một quyết định rất khó và tôi sẽ đề xuất với Quốc hội. Chúng ta có nên chấp nhận tăng bội chi không trong tình hình hiện nay không? Ví dụ, số bội chi phải đủ để ngân sách để các địa phương trả nợ xây dựng cơ bản các dự án đang nợ doanh nghiệp. Con số này tôi chưa được nghe chính thức nhưng con số lên đến 90.000 tỉ hay hơn gì đó, mà số lượng này nếu như chúng ta xử lý được thì nó cũng gỡ được một phần dòng vốn, tạo lan toả.
Thứ hai, chúng ta có mạnh dạn không, một số công trình xây dựng cơ bản, năm bảy chục phần trăm rồi thiếu vốn, chúng ta phải tiếp tục cái đó. Công trình dang dở như vậy thì phải tiếp vốn cho nó. Dĩ nhiên biện pháp khó khăn này phải kèm theo sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội. Tại sao tôi nói vấn đề khó khăn bởi vì vấn đề nợ công của chúng ta đã báo động rồi, bội chi đã lớn, nhưng áp dụng biện pháp này là một biện pháp đặc biệt ít ra trong 2013 – 2014 để chúng ta cùng với nó xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp.