MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS. Trần Du Lịch: Về tổng thể, kinh tế vĩ mô rất tích cực

Theo TS. Trần Du Lịch, so với báo cáo đánh giá tình hình kinh tế của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, tình hình kinh tế diễn biến từ đầu năm tới giờ tích cực hơn nhiều.

 

Nhân kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về những nội dung chính của kỳ họp và những đánh giá của ông về tình hình kinh tế-xã hội đất nước những tháng đầu năm 2015.

Theo TS. Trần Du Lịch, kỳ họp Quốc hội lần này bàn nhiều vấn đề nhưng trọng tâm vẫn là công tác xây dựng pháp luật, tập trung chủ yếu vào việc sửa và bổ sung luật để cụ thể hóa Hiến pháp 2013.

Cụ thể, Quốc hội sẽ thông qua 11 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến 14 dự luật khác...

Kinh tế vĩ mô diễn biến tích cực

Tại kỳ họp này, về những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ và so sánh với báo cáo tại kỳ họp thứ 8. "Tôi cho rằng, so với báo cáo đánh giá của Chính phủ tại kỳ họp thứ 8, tình hình kinh tế diễn biến từ đầu năm tới giờ tích cực hơn nhiều", ông Lịch nói.

Cụ thể, những dấu hiệu tích cực có thể thấy trên một số mặt cơ bản như tốc độ tăng trưởng kinh tế, vấn đề ổn định vĩ mô, vấn đề kiểm soát giá cả, củng cố hệ thống ngân hàng, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước...

Tuy nhiên cũng xuất hiện một số vấn đề mới.

Thứ nhất, vấn đề khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, thị trường cho nông sản, giá cả giảm... Điều này cho thấy cần phải xem lại chính sách. Thứ hai là vấn đề nhập siêu xuất hiện trở lại. Hiện mức nhập siêu đã vượt chỉ tiêu 5% kim ngạch xuất khẩu mà Quốc hội cho phép, phải tính toán lại.

Hai khó khăn nêu trên liên quan đến một vấn đề dài hạn, đề nghị Chính phủ cần quan tâm hơn, đó là việc tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế.

Trong đó, vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ đang quá chậm để có thể chuyển nền kinh tế từ gia công sang sản xuất. Tôi cho rằng lần này phải bàn rất kỹ vấn đề này để giải quyết cho có căn cơ. Chỉ có như thế mới giải quyết được căn bệnh nhập siêu tái phát.

Tóm lại, về kinh tế vĩ mô, hai vấn đề nổi lên hiện nay mà Chính phủ cần chỉ đạo rốt ráo là nông sản và nhập siêu. Nhưng tổng thể, kinh tế vĩ mô mặt tích cực vẫn nhiều hơn.

Về chủ trương xây dựng sân bay Long Thành, ý kiến còn khác nhau nhưng vấn đề đặt ra là phải quyết định, nếu cần làm là phải làm chứ không thể kéo dài được.

Giải quyết nợ công không nên nóng vội

Nhận định đối với những vấn đề kinh tế vĩ mô mà dư luận quan tâm như nợ công, nợ xấu của ngân hàng, lãi suất..., TS. Trần Du Lịch cho rằng vấn đề nợ công không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng ta đã đặt ra lộ trình đến 2020, đưa tỷ lệ nợ công về mức cho phép. Những năm sau, khi GDP tăng cao, mức độ nợ công so với GDP sẽ giảm xuống.

Theo quan điểm của ông Trần Du Lịch, đây là vấn đề đã được Chính phủ đặt ra và đang trong lộ trình giải quyết. Mặt khác, Việt Nam là nền kinh tế có tích lũy thấp, dựa vào nguồn thu thì không đủ, nếu muốn đầu tư thì không thể không vay nợ, trong khi yêu cầu phát triển không thể không đầu tư, đặc biệt là hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học... Vì vậy, chúng ta không nên nóng vội, đòi hỏi giải quyết ngay vấn đề nợ công.

Còn vấn đề nợ xấu, theo kết quả giám sát mới đây trên địa bàn TPHCM của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố cho thấy, nếu đặt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% năm 2015 là đạt được. Cụ thể, khảo sát 12 ngân hàng thương mại cổ phần thì tỉ lệ nợ xấu chỉ có 2,45%. Trong đó, vướng nhiều ở một số ngân hàng như ngân hàng Xây dựng hoặc các công ty tài chính.

Về tín dụng, điều đặc biệt, lần đầu tiên trong nhiều năm, 4 tháng đầu năm dư nợ tín dụng tăng trên 4%, trước đây nhiều năm không tăng được. Điều này chứng tỏ dòng vốn đã được khai thông.

Lãi suất tuy còn cao nhưng đã giảm bình quân được 1,5%. Đối với lãi suất trung hạn, lãi suất năm nhóm ưu tiên thì ở mức 7% là chấp nhận được. Tuy nhiên, nên giảm từ 1-2% nữa để khuyến khích các doanh nghiệp tái đầu tư và cũng phù hợp với mặt bằng lạm phát. Thực tế đối với doanh nghiệp hiện nay, vấn đề lớn không phải là lãi suất mà quan trọng họ cần vốn trung hạn để tái đầu tư.

Còn chuyện nợ xấu, tồn tại hiện nay là để VAMC bán được tài sản, do hiện nay vẫn đang vướng về mặt thủ tục, các quy định quyền của chủ nợ, việc bán một bất động sản là cực kỳ khó khăn. "Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ tập trung xử lý vấn đề này, nếu không bán được tài sản thì nợ xấu thực tế vẫn nằm đó, tắc nghẽn do “cục máu đông” chưa được xử lý dứt điểm, chưa thông hẳn", ông Lịch cho biết.

Mô hình “tay ba” cần được nhân rộng

Qua thực tiễn ở TPHCM, TS. Trần Du Lịch muốn lưu ý một điều mà ông cho rằng ít khi được các báo cáo đề cập, đó là hiệu quả của chương trình “Nối kết ngân hàng với doanh nghiệp”. Đây là chương trình gắn kết “tay ba” giữa chính quyền (NHNN và UBND TPHCM), doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, được bắt đầu từ tháng 7/2012.

Thời gian qua, theo thực tế đánh giá, thẩm định cho doanh nghiệp vay vốn, nhiều đơn vị trong tình trạng khó khăn, không đạt chuẩn, phía ngân hàng không dám cho vay, nếu không cho vay thì những đơn vị này sẽ chỉ còn cách phá sản, hoặc hoạt động cầm chừng.

Trong bối cảnh khó khăn, tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế thấp. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là dư nợ lũy kế của chương trình này lên đến gần 200.000 tỷ đồng, góp phần gỡ khó khăn cho khoảng 1.200 doanh nghiệp trên địa bàn, đảm bảo công ăn việc làm và cuộc sống cho hàng nghìn lao động.

Điểm rất đáng chú ý là trước đó có ý kiến lo ngại phát sinh nợ xấu, nhưng cho tới nay, theo báo cáo của 19 ngân hàng tham gia chương trình, chưa có khoản nợ nào quá hạn, tức là không phát sinh nợ xấu. Điều đó cho thấy, đối với những doanh nghiệp đang khó khăn thực sự, vay được họ rất mừng, lo chắt chiu làm ăn nên rất hiệu quả. Nếu các địa phương khác làm như TPHCM thì sẽ gỡ khó cho rất nhiều doanh nghiệp, không để doanh nghiệp nào phải “chết oan”.

Điều hành của Chính phủ khẩn trương, toàn diện

Đánh giá về công tác điều hành của Chính phủ, TS. Trần Du Lịch cho biết, ông rất ấn tượng việc Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 01 với những giải pháp tương đối toàn diện và triển khai nghị quyết cũng rất khẩn trương.

Đặc biệt, Chính phủ rất mạnh dạn và nhanh chóng ban hành Nghị quyết 19 lần thứ hai, trong đó tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh. Nếu kết quả đúng như mục tiêu mà Nghị quyết 19 hướng đến thì chắc chắn sẽ có tác động rất lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong điều hành của Chính phủ, một điều tâm đắc nữa của TS. Trần Du Lịch là sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, còn một vấn đề mà Chính phủ có chủ trương, có đề án, có kế hoạch nhưng triển khai còn chậm là vấn đề tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế, trong đó có vấn đề nông lâm nghiệp và công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông, hai vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, đề nghị Chính phủ cần tập trung giải quyết sớm. Không thể để tình trạng hô hào phát triển công nghiệp hỗ trợ rất nhiều, nhưng đi vào cụ thể thì rất chậm. Dẫn ví dụ việc ra nghị định phát triển công nghiệp hỗ trợ nhưng bàn quá lâu, trong khi ngành này đang tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, không thể phát triển, ông Trần Du Lịch cho rằng, đây là bài toán lớn của nền kinh tế nên rất cần khẩn trương và căn cơ trong giải quyết.

Cũng về công tác điều hành, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ cần xem xét và cân nhắc kỹ vấn đề tỷ giá, mặc dù tỷ giá có tác động đến nhiều mặt nhưng mục tiêu hướng đến là phải khuyến khích nội địa hóa và có lợi cho xuất khẩu nông sản. Dĩ nhiên, để nội địa hóa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, giảm nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thì phụ thuộc vào nhiều chính sách khác, nhưng tỷ giá cũng đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy nội địa hóa thành công.

Đối với cải cách thể chế, TS. Trần Du Lịch cho rằng thật sự Chính phủ rất mạnh dạn khi ban hành và thực hiện những quy định nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, điều cần phải tháo gỡ hiện nay là vấn đề quyền và trách nhiệm bộ máy các cấp; cần làm rõ việc nào của bộ, ngành và việc nào của địa phương. Ví dụ trên địa bàn TPHCM, một hóa chất không biết nguồn gốc, độc hại, được bày bán tự do thì trách nhiệm của ai, của Trung ương hay của địa phương.

Nói tóm lại, công tác quản lý Nhà nước phải phân định rõ trách nhiệm, phải biết trách nhiệm thuộc về ai, theo nguyên tắc một cấp chính quyền chịu trách nhiệm, cấp dưới làm thì cấp trên không làm nhưng phải kiểm tra giám sát.

Liên quan đến lộ trình hội nhập kinh tế, theo TS. Trần Du Lịch, chúng ta đừng lo lắng quá, mặc dù còn nhiều doanh nghiệp chủ quan nhưng những doanh nghiệp lớn có tính toán cả. "Tôi đã đi tìm hiểu những doanh nghiệp da giày và dệt may, các đơn vị này cho biết đều đang tính toán để thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu và thị trường", ông Lịch cho hay.

Hội nhập là cuộc chơi của doanh nghiệp, do vậy doanh nghiệp phải chủ động vì không Nhà nước nào làm thay được doanh nghiệp. Khi gia nhập WTO cũng có nhiều ý kiến lo lắng nhưng cuối cùng ta được nhiều hơn mất, hội nhập sắp tới cũng thế.

Về phía Chính phủ, phải minh bạch chính sách, phải rõ ràng. Nên tập trung vào triển khai chương trình hành động đã đề ra, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp về thông tin, cam kết nào đã xong thì cần công bố cho doanh nghiệp biết, đồng thời thông tin cho doanh nghiệp những chính sách dự kiến, những tính toán vĩ mô...

Theo Mạnh Hùng

PV

Chinhphu.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên