MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tự do kinh doanh

Con rồng kinh tế Việt Nam chưa cất cánh được, ngay cả khi gia nhập TPP (dự trù vào cuối 2014) vì trọng lực nặng nề của ba yếu tố: doanh nghiệp nhà nước, nợ xấu ngân hàng và ngân sách chính phủ.

Động lực nào để trút được gánh nặng này ngoài một thị trường tự do hơn cho doanh nhân phát triển?

Thế giới mở, vấn đề chi phí cạnh tranh đặc biệt quan trọng. Nước Mỹ khó khăn là do chi phí lao động quá cao. Họ đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác về chi phí lao động. Nước Mỹ sẽ không giải quyết được vấn đề khủng hoảng kinh tế của mình nếu không xử lý được vấn đề chi phí lao động phù hợp với thế giới mở.

Chi phí cạnh tranh cũng đang là vấn đề của Việt Nam nhưng Việt Nam khác thế giới, khác Mỹ, bởi đó là chi phí quan hệ. Một nền kinh tế bị chìm đắm vào chi phí quan hệ quá lớn sẽ bị mất năng lực cạnh tranh với các nền kinh tế khác. Việt Nam phải giải quyết được vấn đề chi phí quan hệ thì mới có cơ hội cạnh tranh với các nước trong khu vực và thế giới.

Sau gần 30 năm mở cửa, độ mở của nền kinh tế không bao nhiêu. Nhà nước vẫn chủ trương doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm chủ đạo mà trong kinh doanh, mà đặt vấn đề chủ đạo là không hợp lý. DNNN làm chủ đạo liên quan đến vấn đề cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, sẽ chèn ép khu vực doanh nghiệp dân doanh.

Ra thế giới, Việt Nam luôn khẳng định là một nền kinh tế thị trường, yêu cầu các nước đối tác công nhận điều đó, nhưng ở trong nước vẫn nói DNNN đóng vai trò chủ đạo, như vậy là không khớp.

Một khi DNNN làm chủ đạo, những cái gì kinh doanh được tốt, Nhà nước sẽ dành cho “con cưng” của mình và DN dân doanh luôn bị lấn át. Việt Nam, từ một nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước đến nay đã gần 30 năm, tư duy bây giờ đã khác chưa?

Một vấn đề nữa, Việt Nam là một nền kinh tế dân doanh phục vụ cho lợi ích của toàn dân, hay mình mới chỉ chấp nhận một thành phần bé nhỏ nào đó của dân doanh trong nền kinh tế nhiều thành phần?

Hiện nay, DN dân doanh vẫn đứng ở thế yếu. Những gì là hay, là tốt, là lợi ích nhiều vẫn dành cho các công ty quốc doanh. Điều này cần nhanh chóng sửa đổi. Nhà nước trong một nền kinh tế thị trường chỉ thực hiện những gì dân doanh không làm được, hay chưa có đủ khả năng tài chính, trình độ công nghệ...

Nhưng khi dân doanh đã có khả năng làm được tất cả những việc về phát triển kinh tế, Nhà nước nên rút ra để cho dân doanh làm. Tất cả các nước trên thế giới đều làm như thế. Thậm chí, tại Anh, thời Thủ tướng Margaret Thatcher đã tư nhân hóa tất cả các DNNN. Nhà nước không giữ tỷ lệ chi phối mà để cho dân doanh làm việc.

Gần 30 năm qua, chúng ta chưa làm đến cái mức đó. Chúng ta vẫn giữ tư duy cổ phần hóa và Nhà nước giữ tỷ lệ chi phối để chủ đạo nền kinh tế. Nhà nước không thể chủ đạo được, công chức không chủ đạo được vấn đề kinh doanh.

Công chức phải làm việc của công chức, kinh doanh làm việc của kinh doanh, hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Công chức đứng ra chỉ đạo vấn đề kinh doanh là không hợp lý, đó là tư duy cũ của thời kỳ bao cấp mà chúng ta chưa qua khỏi.

Nền kinh tế Việt Nam chưa mở thực sự, ngay cả khi chúng ta cố gò ép cho là đã mở thì nó vẫn có vấn đề. Người dân muốn kinh doanh phải đến cơ quan công quyền để xin giấy phép kinh doanh, xin cấp đất...

Hiện nay, những công chức nắm quyền trong tay đang khai thác cái quyền đó. Nền kinh tế Việt Nam đang “cõng trên lưng” các khoản chi phí quan hệ và điều này đang hãm lại sức phát triển, hãm lại năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tự do kinh doanh là người dân có thể làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm, Việt Nam bây giờ có được như thế không? Tự do kinh doanh của chúng ta chưa đạt được mức phục vụ cho nền kinh tế phát triển.

Chúng ta vẫn bị kiềm chế bởi các nghị quyết, cơ chế, tập quán. Tự do về sử dụng đất, sử dụng một số dịch vụ của Nhà nước, tất cả những cái đó đang bị ràng buộc rất nhiều trong một thể chế chưa có tư duy rõ ràng về tự do kinh doanh, chưa rõ ràng tư duy Nhà nước phục vụ nhân dân.

Hầu hết công chức chưa thực sự tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân do chưa ra khỏi tư duy thời kỳ bao cấp. Tất cả những việc đấy, chúng ta phải suy nghĩ cho kỹ. Nền kinh tế sẽ không thể phát triển được nếu nói và làm không ăn khớp với nhau.

Theo một nghiên cứu mới nhất của Báo Wall Street Journal và Quỹ Heritage về chỉ số tự do kinh tế, Việt Nam năm nay xếp thứ 140 trên tổng số 177 quốc gia. Chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam thấp hơn mức trung bình 59,6 của thế giới, 57,4 của khu vực và thua xa mức 84,5 của một nền kinh tế tự do.

Kết quả đó là hiển nhiên. Trong một quốc gia, các quyền tự do gắn liền với nhau, từ tự do nói chung của một nền dân chủ dẫn đến tự do kinh doanh của người dân trong đất nước đó.

Khi quyền hành nằm trong tay công chức, không thể có tự do kinh doanh. Việt Nam bây giờ phải tạm thời chấp nhận tình hình đấy vì lịch sử để lại như thế.

Nhưng nếu Việt Nam muốn có được một nền kinh tế tự do kinh doanh, phải xem lại vấn đề thể chế, phải học hỏi và thực thi “Nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, và vì dân”, thay đổi hành vi và thái độ phục vụ của công chức đối với dân, để bảo đảm quyền tự do kinh doanh cho DN và người dân.

Từ những thực tế đó cho thấy, nền kinh tế Việt Nam chưa mở hoặc chỉ mở một phần, còn lại vẫn kẹt trong thế Nhà nước quản lý. Điều đó là không phù hợp với mong ước của đại bộ phận người dân Việt Nam. Chúng ta phải giải quyết được các vấn đề của nền kinh tế, xây dựng được một chế độ công quyền phục vụ nhân dân thì nền kinh tế mới có thể phát triển.


BÙI KIẾN THÀNH - Chuyên gia kinh tế


trangntm

Theo Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên