MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

UN ESCAP: Tăng trưởng “mong manh” nhưng vẫn có thể đạt 6,2%

UN ESCAP dự báo, trong năm 2015 và 2016, tăng trưởng còn mong manh nhưng sẽ tăng nhẹ lên mức 6,1-6,2% nhờ xuất khẩu và đầu tư. Bên cạnh đó, phục hồi sức mua và các ngành kinh tế mũi nhọn cũng là những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng. Giá cả ổn định sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Chiều nay (14/5), Ủy ban kinh tế xã hội Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Liên hợp quốc (UN ESCAP) công bố báo cáo điều tra về tình hình kinh tế xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương năm 2015.

Về phần kinh tế Việt Nam, báo cáo của UN ESCAP nhận định, năm 2014 tăng trưởng kinh tế tăng lên gần 6% từ mức 5,4% của năm trước do động lực mạnh mẽ từ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng trong bối cảnh các điều kiện vĩ mô ổn định.

Tổng đầu tư xã hội tăng 8,9% do mức tăng đầu tư của các nhà sản xuất, chế tạo lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam như Samsung... Trong khi đó, tiêu dùng hộ gia đình tăng 6,1%; xuất khẩu tăng 13,6%.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, mặc dù những số liệu trên cho thấy một bức tranh phục hồi mạnh mẽ hơn so với mức tăng trưởng yếu của những năm gần đây song cũng cần lưu ý rằng nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp. Số lượng các doanh nhiệp trong nước phải đóng cửa, ngừng hoạt động tăng cao. Tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức thấp, mặc dù đã đạt chỉ tiêu đề ra (12,6%) vào tháng 12/2014.

Thậm chí ngay cả trong xuất khẩu, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng mạnh hơn các công ty trong nước. Tăng trưởng việc làm còn khiêm tốn, mới ở mức 0,8% do ngành công nghiệp và xây dựng mang lại.

Trên cơ sở đó, UN ESCAP dự báo, trong năm 2015 và 2016, tăng trưởng còn mong manh nhưng sẽ tăng nhẹ lên mức 6,1-6,2% nhờ xuất khẩu và đầu tư. Bên cạnh đó, phục hồi sức mua và các ngành kinh tế mũi nhọn cũng là những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng. Giá cả ổn định sẽ tiếp tục tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Về lạm pháp, báo cáo  nhận định, lạm phát của Việt Nam đã giảm từ mức 2 con số năm 2011 xuống 4,1% trong năm 2014 và sẽ còn tiếp tục giảm xuống khoảng 2,5% năm 2015; thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra là 3-4%.

Xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ tình trạng giá dầu thô toàn cầu giảm sút. Ở chiều ngược lại, lợi ích phát sinh do lạm phát thấp sẽ bù đắp mức giảm từ nguồn thu giá dầu. Ngoài ra, việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất và xuất khẩu trong 10 năm qua giúp giảm thiểu hiệu quả tác động của biến động giá dầu.

Cùng với đó, lượng khách du lịch đến Việt Nam cũng được trông đợi sẽ phục hồi trong thời gian tới.

Diễn biến quan trọng nhất đối với triển vọng kinh tế trung và dài hạn là quá trình tái cơ cấu các ngân hàng và DNNN đang diễn ra, cũng như tác động của nó tới sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Trong năm 2014, Ngân hàng nhà nước đã hạ lãi suất cho vay cũng như trần lãi suất huy động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên hiệu quả còn hạn chế do tỷ trọng nợ xấu vẫn duy trì ở mức cao. Ngân hàng nhà nước hiện đang trực tiếp hỗ trợ hoạt động mua bán, sáp nhập 1 số ngân hàng gặp khó khăn với mục tiêu giảm 50% số lượng ngân hàng thương mại trong 3 năm tới.

Về cải cách DNNN, Chính phủ Việt Nam đã ban hành một kế hoạch hành động toàn diện nhằm đẩy nhanh tốc độ thoái vốn tại các DNNN.

>>>Kinh tế VN đang phục hồi nhưng chưa thoát khỏi vùng đáy của tăng trưởng

Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên