Ứng phó với diễn biến kinh tế là rất quan trọng
Theo TS. Vũ Viết Ngoạn – Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, về ngắn hạn, một mặt chúng ta phải nâng tổng cầu, mặt khác cần nâng cao vai trò ứng phó với tình hình kinh tế.
Còn về trung hạn 3 năm, 5 năm tới là phải nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
TS. Vũ Viết Ngoạn |
Mặc dù nền kinh tế sáng dần nhưng vẫn có những lo ngại khi lạm phát năm nay sẽ cao hơn năm ngoái, doanh nghiệp vẫn khó khăn, bội chi ngân sách tăng?
Chúng ta bao giờ cũng kỳ vọng nhiều hơn về sự hồi phục của nền kinh tế. Nhưng trong điều kiện nền kinh tế trong nước tích tụ khó khăn từ lâu, lại chịu tác động từ kinh tế bên ngoài nên không thể sốt ruột được mà cần phải có thời gian.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được Quốc hội thông qua là năm 2013 tăng trưởng cao hơn 2012 và lạm phát thấp hơn. Với tăng trưởng, chúng ta đã đạt mức cao hơn năm 2012 và lạm phát năm trước là 6,81%, năm nay tuy dự kiến khoảng 7% vẫn là ở mức hợp lý.
Kỳ họp này, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2013, ông có những đánh giá gì về công tác điều hành giai đoạn này?
Nhìn lại 3 năm vừa qua, để có những điểm sáng, chúng ta đã thay đổi về chính sách. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI diễn ra đầu năm 2011, chúng ta quan tâm nhiều tới mục tiêu tăng trưởng với tốc độ nhanh.
Nhưng sau đó, cộng hưởng những khó khăn cả trong và ngoài nước, chúng ta đã nhanh chóng chuyển hướng sang mục tiêu ưu tiên ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội. Đây là sự thay đổi căn bản và là thành tựu rất lớn. Và đó cũng là thời điểm chúng ta đưa ra cuộc “cách mạng” tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế.
Hiện nay năng lực cạnh tranh của Việt Nam được nâng lên; môi trường kinh doanh của chúng ta được thế giới đánh giá là có sự cải thiện mạnh, cũng chính nhờ đã giữ được ổn định vĩ mô. Con số đăng ký đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm này đã tăng hơn 36% là một trong những minh chứng thể hiện điều đó.
Đây là tín hiệu rất tốt bởi nó cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang gia tăng vào hiệu quả đầu tư trong trung và dài hạn ở Việt Nam.
Ông có bình luận gì khi trong vài năm qua, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của chúng ta đã không đạt mục tiêu đề ra?
Mục tiêu không đạt là do công tác dự báo chưa tốt nên xây dựng kế hoạch không sát. Thực tế, các nhà kinh tế, các định chế tài chính trên thế giới như IMF, WB, EU và nhiều Chính phủ cũng không ngờ rằng tình hình kinh tế thế giới lại ảm đạm, kéo dài như vậy. Trong khi đó, chúng ta lại đưa ra những dự báo hơi lạc quan, nên đặt ra chỉ tiêu có phần tham vọng quá. Vì vậy, việc chúng ta không đạt được mục tiêu cũng là điều dễ hiểu.
Vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì đủ mạnh cho những năm tiếp theo để mục tiêu ổn định vĩ mô vững chắc hơn?
Tại kỳ họp này, chúng ta đang thảo luận rất kỹ vấn đề này với mong muốn cùng với việc ổn định vĩ mô còn phải duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý. Vì khi duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức hợp lý thì mới giữ được ổn định vĩ mô lâu dài. Như vậy, chúng ta không nên để tăng trưởng thấp hơn nữa, vì nếu thấp quá thì về trung hạn sẽ ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Tôi cho rằng, chúng ta đặt mục tiêu GDP thời gian vài năm tới ở mức từ 5,7-5,8% là cần thiết.
Mà muốn duy trì được tốc độ tăng trưởng ở mức đó thì phải duy trì tổng cầu của nền kinh tế ở mức hợp lý. Quốc hội cũng cần phân tích thấu đáo để thống nhất quan điểm nên duy trì mức tổng cầu một cách hợp lý. Trên cơ sở đó, phải xem xét thật thấu đáo đề xuất của Chính phủ nâng mức bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP; tăng hạn mức phát hành trái phiếu Chính phủ để có nguồn tiền đầu tư của Nhà nước, cùng với nguồn vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy một số dự án giúp nâng tổng cầu lên.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu để hiện thực hóa các mục tiêu và lợi ích của việc tái cơ cấu, tạo ra bước chuyển biến nhanh căn bản hơn nữa, nâng cao hiệu quả đầu tư. Vốn chỉ một phần thôi, nhưng quan trọng hơn nữa là làm thế nào để hoạt động có hiệu quả.
Tóm lại, về ngắn hạn, một mặt chúng ta phải nâng tổng cầu, mặt khác cần nâng cao vai trò ứng phó với tình hình kinh tế. Còn về trung hạn 3 năm, 5 năm tới là phải nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!