Vận tải lên “sàn”: Minh bạch hoá hoạt động vận tải
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang hoàn tất cơ sở hạ tầng, dữ liệu để tháng 10 tới chính thức đưa sàn giao dịch vận tải trực tuyến vào hoạt động. Hình thức giao dịch vận tải mới lạ này đang được kỳ vọng bởi sự minh bạch, kết nối trực tiếp giữa các bên.
- 26-08-2015Giá xăng dầu “lao dốc”, Bộ Tài chính “siết” giá cước vận tải
- 12-03-2015Bộ GTVT cùng DN vận tải biển bàn cách gỡ khó khăn
- 26-06-2014Nhiều mặt hàng tăng giá do cước vận tải tăng
Minh bạch giá cước, giảm chi phí vận tải
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, bấy lâu nay, năng lực doanh nghiệp vận tải, giá cước… đều được các doanh nghiệp (DN) vận tải xem như bí mật kinh doanh, không muốn tiết lộ. Điều này vô hình chung đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chở hàng quá tải. Vì lẽ đó, việc ra đời của sàn giao dịch vận tải trực tuyến sẽ giúp vén "bức màn bí mật" này.
Mô tả về hình thức giao dịch mới, ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, sàn giao dịch vận tải hàng hóa là sàn giao dịch thương mại điện tử dành cho các đơn vị vận tải hàng hóa. Các nhà cung cấp dịch vụ logistics (đơn vị vận tải) và các khách hàng có nhu cầu vận chuyển hàng hóa (chủ hàng) đăng thông tin về khả năng cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa, hàng hóa cần chuyên chở và tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán dịch vụ vận chuyển hàng hóa.
Sàn cũng là nơi tạo điều kiện kết nối các phương thức vận tải, giúp các đơn vị vận tải sử dụng năng lực vận tải hai chiều, giảm chi phí vận tải. Các đơn vị kinh doanh sàn giao dịch vận tải hàng hóa được nhận một khoản thu nhập nhất định từ các đơn vị vận tải tham gia sàn (thành viên).
Cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tình hình hoạt động vận tải hàng hóa và công bố công khai những thông tin chung về hoạt động vận tải hàng hóa như luồng tuyến, giá cước vận chuyển, khối lượng giao dịch…
“Sàn giao dịch vận tải còn giúp cho việc thông quan qua cửa khẩu nhanh hơn. Trước khi một chuyến hàng đến cửa khẩu 30 phút, hải quan đã nắm được thông tin hàng hoá dự kiến thông quan vì thông tin đã được cấp cho hải quan để cho đi qua làn xanh (cho thông quan) hay làn đỏ (dừng lại kiểm tra) nên việc kiểm soát nhanh chóng hơn”, ông Đỗ Công Thủy cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, quản lý vận tải đường bộ và trình độ quản lý của DN vận tải hiện vẫn còn lạc hậu, yếu kém dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chở hàng quá tải.
“Thông qua sàn giao dịch vận tải trực tuyến, các DN vận tải hàng hóa sẽ có thông tin, tổ chức vận tải hợp lý, hiệu quả, khắc phục được vận tải hàng hóa chiều chạy rỗng, đồng thời làm cho thị trường vận tải minh bạch, giảm chi phí vận tải, khắc phục được khâu trung gian ăn hoa hồng”, ông Nguyễn Văn Quyền nói.
DN lên “sàn” đã được kiểm chứng
Mặc dù khái niệm sàn giao dịch vận tải trực tuyến còn khá mới mẻ ở Việt Nam thế nhưng ông Nguyễn Văn Quyền cũng cho biết bản thân các DN tham gia sàn giao dịch đều phải được kiểm chứng về năng lực, uy tín và các cam kết về vận chuyển hàng hóa cho chủ hàng. Đồng thời, quyền lợi của DN cũng được sàn giao dịch bảo đảm.
Tháng 10 tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đưa sàn giao dịch vận tải trực tuyến vào hoạt động thí điểm tại một số trung tâm vận tải lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hiện, Tổng cục đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng, dữ liệu để có thể đưa vào hoạt động.
“Sau thời gian hoạt động thí điểm, chúng tôi sẽ có đánh giá, trên cơ sở đó đề xuất cụ thể hơn về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành nhằm tạo cơ chế, chính sách để sàn giao dịch hoạt động hiệu quả hơn”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho hay.