MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vào WTO 2 năm vẫn chưa rành luật

Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, môi trường... cơ quan chức năng Việt Nam đang gấp rút xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng nhập khẩu.

Công việc không dễ bởi bản thân người làm luật cũng chưa nắm vững những quy định tại WTO.

 

"Bỗng dưng" gặp hạn

 

Câu chuyện bắt nguồn từ một lá đơn kêu cứu gửi Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) của Công ty CP Hải Việt có trụ sở tại TP.HCM ngày 7/8.

 

Trong đơn, lãnh đạo công ty cho biết ngày 27/7, khách hàng từ Nhật của Hải Việt có gửi một kiện hàng 100kg cá hồi đông lạnh dùng để làm mẫu sản xuất thử mặt hàng mới. Lô hàng trên gửi trên chuyến bay SQ172/28 đến sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/7 và được làm thủ tục hải quan tại đây.

 

Tuy nhiên, giờ nó đã biến thành rác do không thể hoàn tất thủ tục hải quan. Lý do, lô hàng đó chưa thể hoàn tất thủ tục hải quan do không có giấy đăng ký và chứng nhận kiểm dịch do Cục Thú y cấp.

 

Hải Việt đã liên lạc với Cục Thú y để làm thủ tục đăng ký cho lô hàng này, song, cũng đành "bó tay" vì không đáp ứng đủ các giấy tờ như yêu cầu. Đối tác không thể cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan của nước xuất khẩu phát hành, bởi hàng đã xuất khẩu, đương nhiên cơ quan hữu quan Nhật Bản cũng chịu.

 

Kết quả, công ty buộc lòng phải tiêu huỷ lô hàng trên.

 

Đây không phải là trường hợp duy nhất Hải Việt gặp phải. Rất nhiều lô hàng thuỷ sản đông lạnh nhập khẩu khác (gồm các loại cá, tôm, mực, bạch tuộc đông lạnh, được nhập khẩu làm nguyên liệu để chế biến tái xuất khẩu) cũng bị dồn ứ tại các cửa khẩu (cảng biển, cảng hàng không... ).

 

Lỗi không nắm rõ luật

 

Nguyên nhân của sự việc là ở Công văn 898/TY-KD của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) ban hành ngày 3/6/2009 nhằm hướng dẫn tạm thời về việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

 

Quy định trên nhằm triển khai Quyết định số 1427 trước đó của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về phân công thực hiện nhiệm vụ thú ý thủy sản cho Cục Thú y, Cục Nuôi trồng Thủy sản và Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Nafiqad) - tức để thực hiện trong thời điểm giao thoa nhằm sắp xếp lại công việc của 3 cơ quan thuộc Bộ.

 

Trên thực tế, FAO, WHO, OIE và thông lệ thương mại quốc tế từ lâu đã quy định, các thủy sản và sản phẩm thủy sản đông lạnh, đã trải qua quá trình cấp đông ở nhiệt độ âm sâu (dưới -25oC), là nhóm sản phẩm không còn chứa các nguy cơ gây dịch bệnh cho người và động vật.

 

Trước đây, Bộ Thủy sản cũng đã quy định rõ đối tượng kiểm dịch là các sản phẩm sống, tươi, có hoặc không ướp đá, chưa qua chế biến, nghĩa là không áp dụng cho sản phẩm đã qua chế biến đông lạnh, nấu chín.

 

Chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ngày 12/8 vừa triệu tập cuộc họp khẩn với đại diện VASEP, Cục Thú y, Nafiqad, Văn phòng SPS (Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam) và Vụ Pháp chế.

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát kết luận, việc ban hành Công văn 898/TY-KD đã không thực hiện đúng đúng thủ tục về việc thông báo trước 60 ngày về thay đổi quy định SPS cho các quốc gia thành viên WTO như Việt Nam đã cam kết, không căn cứ vào thông lệ quốc tế đã được OIE công bố, không hướng dẫn chi tiết và không có thời gian chuyển tiếp cần thiết để doanh nghiệp có thể thực hiện.

 

Ông đã yêu cầu Cục trưởng Cục Thú y phải có văn bản sửa sai ngay bằng cách tạm đình chỉ thi hành Công văn 898 (ngay chiều cùng ngày, Cục đã thực hiện lệnh này) cho đến khi có văn bản mới.

 

Văn bản mới phải được xây dựng theo đúng trình tự pháp lý, căn cứ trên thông lệ quốc tế, trong đó nêu rõ những vấn đề sửa đổi, những quy định mới, và phải thực hiện việc thông báo lên mạng WTO để tham vấn ý kiến các quốc gia khác. Trước khi áp dụng quy định mới về kiểm dịch, cần phải thông báo và bố trí thời gian cần thiết cho doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện.

 

Có một điều không thể bỏ qua là tại đây, đại diện Cục Thú y cho biết họ ban hành văn bản mà không nắm rõ các quy định trên trong WTO. Trong khi đó, Việt Nam đã tham gia vào sân chơi WTO được 2 năm, và Cục Thú y lâu nay vốn hợp tác rất chặt chẽ với các tổ chức FAO, WHO, OIE.

 

Thiệt hại đối với DN ở đây có thể là chưa lớn. Song, qua đó cũng thấy rằng, chỉ một văn bản mà người ký duyệt chưa nắm rõ các quy định của luật pháp quốc tế đã gây ra ách tắc, phiền hà không cần thiết và thiệt hại uy tín cho DN, chưa kể nguy cơ sẽ bị nước ngoài phản đối.

 

Điều đáng nói, trong khi chúng ta đang lên kế hoạch tiếp tục triển khai xây dựng các hàng rào kỹ thuật nhằm bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, chống gian lận thương mại... thì việc không nắm rõ những quy định trong WTO có khi còn phản tác dụng, tức là chưa bảo vệ được mình đã bị các nước kiện lại.

 

Theo Hà Yên

Vietnamnet

ngocdiep

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên