Vì sao các “đại gia" công nghệ chọn Việt Nam?
Lần lượt Canon, Samsung, LG, và giờ đến Nokia - Microsoft quyết định chuyển dịch đại bản doanh sản xuất toàn cầu về Việt Nam. Vì sao?
- 02-09-2014Cuộc dịch chuyển toàn cầu và đích đến Việt Nam
- 28-08-2014Vì sao Samsung, Nokia đổ bộ thị trường Việt?
- 27-08-2014Nokia gặp khó nhập công nghệ cũ: Việt Nam tạo điều kiện!
- 21-08-2014Thêm đại gia công nghệ "thoát Trung" sang Việt Nam
Một cuộc chuyển dịch rầm rộ sản xuất của các hãng điện tử toàn cầu từ các nước láng giềng sang Việt Nam đang diễn ra mạnh mẽ.
Đó không hề là những quyết định đơn lẻ. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Canon... đã chứng minh Việt Nam ngày càng hấp dẫn hơn. Theo tuyên bố của các hãng, Việt Nam sẽ là cứ điểm sản xuất cung cấp 80% smartphone cho Samsung và 80% bộ vi xử lý Haswel của Intel trên toàn cầu. Đến nay, Việt Nam cũng đã là nơi sản xuất tập trung các thiết bị máy in của Canon...
Đến nay, Việt Nam tụ hội hầu hết các nhà máy sản xuất điện tử lớn trên thế giới, đến từ Nhật, Mỹ, Hàn Quốc. Từ một nơi lắp ráp đơn thuần, các hãng đã chọn Việt Nam thành nơi sản xuất cho toàn cầu.
Lý giải dưới góc độ quản lý, TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch đầu tư cho biết, những nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc Việt Nam ổn định về an ninh, cơ sở hạ tầng đáp ứng được nhu cầu của DN, vấn đề nhân công lao động gần như đáp ứng được hoạt động sản xuất của DN… và quan trọng Việt Nam có những chính sách ưu đãi cho các DN đầu tư nước ngoài, nhất là ở lĩnh vực công nghệ cao.
Gần đây nhất là tại cuộc họp báo Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý dừng việc triển khai Thông tư 20 của Bộ KHCN để tạo thuận lợi cho Microsoft chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại Nokia từ các nước về Việt Nam. Nếu theo Thông tư có hiệu lực từ 1/9, các dây chuyền phải mới 80%, không quá 5 năm mới được vào Việt Nam thì có lẽ, cuộc chuyển dịch sản xuất của Nokia sẽ bị ách tắc dài dài.
GS Nguyễn Mại - nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh vai trò quyết tâm chính trị của các nhà làm chính sách. Ví dụ như Samsung, nếu năm 2006, Chính phủ còn lấn cấn về các ưu đãi thì có lẽ, tập đoàn này đã chuyển sang đầu tư ở Thái Lan rồi.
Cũng theo vị giáo sư này, một trong những điều khiến các tập đoàn đa quốc gia rời bỏ Trung Quốc cũng do Trung Quốc có nhiều biểu hiện ưu đãi bất đối xứng cho các tập đoàn điện tử trong nước, đặc biệt là hai đại gia công nghệ của nước này.
Tuy nhiên, dòng chu chuyển vốn, dây chuyền sản xuất của các “đại gia” được nhìn nhận dưới nhiều góc độ, trong đó các chuyên gia lo ngại họ chỉ chuyển 1 bộ phận sản xuất thủ công, dây chuyền gia công lắp ráp.
Nói như một vị chuyên gia, hãy bình tĩnh xem các tập đoàn họ chuyển sản xuất về Việt Nam những gì. Nếu chỉ là gia công, lắp ráp và sản xuất kỹ thuật thấp thì phải xem lại. Nếu mức độ chuyển giao công nghệ chỉ ở cấp thấp, thì phải xem họ tận dụng thị trường và lợi thế của Việt Nam trong ngắn hạn. Phải có chính sách ưu tiên các tập đoàn đa quốc gia chuyển công nghệ cao, công nghệ nguồn về Việt Nam.
Và vì vậy, trong cuộc đại chuyển dịch trên, hiệu ứng lan tỏa cho ngành công nghiệp Việt Nam đến đâu hãy còn là câu hỏi bỏ ngỏ.