MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao lọc hóa dầu tỷ đô ồ ạt vào Việt Nam?

Gần đây, Việt Nam liên tiếp ra đời hàng loạt dự án nhà máy lọc hóa dầu quy mô hàng tỷ đô la Mỹ (USD). Vì sao nước ta lại thành “điểm đến” của lọc hóa dầu?

Từ vài tỷ tới vài chục tỷ đô

Theo Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020, chỉ có 3 nhà máy lọc hóa dầu được đưa vào quy hoạch, gồm: Dung Quất (Quảng Ngãi) với vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; Nghi Sơn (Thanh Hóa) vốn đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; Long Sơn (Bà Rịa-Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm.

Sau đó, quy hoạch được bổ sung thêm Nhà máy lọc hóa dầu Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,18 tỷ USD, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm; Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 2 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm. Hiện, Bình Định đang xin bổ sung thêm Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội, với vốn đầu tư lên tới 22 tỷ USD (ban đầu dự kiến hơn 28 tỷ USD), công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm. Ngoài ra, một số dự án khác cũng đang rục rịch xin đầu tư…

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho biết, hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất công suất chỉ 6 triệu tấn dầu thô/năm đã đáp ứng được 30% nhu cầu xăng dầu cả nước. Do đó, chỉ cần nhà máy công suất 15-20 triệu tấn dầu thô/năm sẽ cung cấp đủ xăng dầu cho nhu cầu nội địa.

Vậy tại sao các nhà đầu tư vẫn vào Việt Nam? Theo ông Ngãi, lợi nhuận chủ yếu của các nhà máy lọc hóa dầu không nằm ở phần lọc dầu (sản phẩm xăng, dầu), mà nằm ở phần hóa dầu (tạo ra polime, nhựa đường, sợi…). Như nhà máy lọc hóa dầu của Formosa ở Đài Loan công suất khoảng 20 triệu tấn dầu thô/năm, nhưng hạt polime xuất khẩu khắp thế giới. “Phần lớn các nhà máy đều hướng tới xuất khẩu, ngoài xăng dầu còn nhiều mặt hàng khác”, ông Ngãi nói.

Việc chọn Việt Nam, theo ông Ngãi, do nước ta có tình hình chính trị và an ninh ổn định; vị trí địa lý thuận lợi để vận chuyển sản phẩm đi các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Biển Đông là con đường hàng hải chiến lược; chính sách khuyến khích đầu tư tốt, có nhiều cảng nước sâu cho tàu lớn ra vào... “Dầu mỏ vận chuyển đường biển là chủ yếu, việc có cảng nước sâu rất quan trọng”, ông Ngãi nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho biết, Việt Nam đã và sắp tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, như: Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP), ASEAN + 6, cộng đồng kinh tế ASEAN; Việt Nam - UE, Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga…

“Nếu đặt nhà máy lọc hóa dầu ở Việt Nam, sản phẩm xuất khẩu đi các nước thuận tiện, được ưu đãi thuế quan”, TS Doanh nói. Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế về lao động dồi dào, giá rẻ (thời kỳ dân số vàng). Đồng thời, có thể được hưởng lợi từ chính sách xoay trục của Mỹ, hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Cảnh báo ô nhiễm
Hiện, đầu tư vào lọc hóa dầu đang được hưởng nhiều ưu đãi, khi các nhà máy đều cần diện tích đất lớn và được Việt Nam bàn giao đất sạch (nhà đầu tư không phải giải phóng mặt bằng); được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với mức 10% trong 15 năm, miễn 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; miễn thuế nhập khẩu dầu thô; giảm thuế xuất khẩu các mặt hàng lọc hóa dầu, tiền sử dụng đất, mặt nước, hỗ trợ hạ tầng…

Tuy vậy, TS Lê Đăng Doanh cảnh báo, các dự án lọc hóa dầu tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu… “Nếu chúng ta kiểm soát không tốt, có thể đẩy ô nhiễm môi trường về Việt Nam”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, ông Trần Viết Ngãi nghiêng về những cái được của Việt Nam khi thu hút đầu tư vào lọc hóa dầu, như: Tạo công ăn việc làm (đặc biệt lao động có kỹ thuật); nâng cao trình độ về hóa dầu; thêm nguồn thu lớn cho đất nước. Đặc biệt, theo Chủ tịch VEA, khi các nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo cạnh tranh xăng dầu, nhựa đường, polime, sợi… khi không phải nhập khẩu sẽ giúp giảm giá các mặt hàng này so với hiện nay.

Ông Nguyễn Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương Bình Định (thành viên tổ thẩm định dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội - dự án tổng vốn đầu tư dự kiến lớn nhất Việt Nam) cho biết, dự án Nhơn Hội do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Tập đoàn Dầu mỏ Saudi Aramco (Arab Saudi) làm chủ đầu tư. 

Theo ông Phương, dự án Nhơn Hội có ưu thế công nghệ hiện đại hơn các dự án Việt Nam đang xây dựng (chỉ lọc được dầu thô ngọt), với công nghệ có thể lọc được tất cả các loại dầu thô (dầu thô ngọt, chua). Dự kiến, nếu dự án này hoạt động có thể đóng góp 3-4% GDP cho cả nước; ngân sách Bình Định có thể thu được 400-500 triệu USD/năm.

>>>Dự án thép 4,5 tỷ USD lại xin gia hạn sau 8 năm “đắp chiếu”

Theo Lê Hữu Việt

huongtt

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên