Vì sao Tổng Công ty Đường sắt bị tước dự án ODA?
Bộ GTVT vừa quyết định đưa một loạt dự án trọng điểm của ngành đường sắt sử dụng vốn ngân sách và vốn vay ODA đang được Tổng Công ty Đường sắt và Cục Đường sắt thực hiện về Bộ GTVT.
- 30-07-2014Đường sắt Cát Linh - Hà Đông ngổn ngang từ ga đầu đến ga cuối
- 24-05-2014Chi thêm 400 tỷ đồng tiền đền bù dự án đường sắt trên cao
- 25-04-2014Đình chỉ chức vụ Cục trưởng Cục Đường sắt vì phát ngôn ảnh hưởng uy tín ngành giao thông
- 23-04-2014Phản hồi về tăng mức đầu tư dự án đường sắt trên cao đội vốn 339 triệu USD
- 11-08-2014Từ năm 2015, phải cân đối đủ vốn đối ứng cho các chương trình, dự án ODA
- 02-08-2014“Ba kiên quyết” trong xử lý dự án ODA chậm trễ
- 01-08-2014Hé lộ lương “khủng” của người tư vấn dự án ODA tại TP.HCM
Cụ thể, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa có quyết định thay chủ đầu tư trong số 13 công trình dùng vốn ODA; chuyển từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về Bộ. Trong đó, có 7 dự án đang thực hiện, 6 dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư.
Các dự án Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bị tước quyền làm chủ đầu tư có mức vốn hàng nghìn tỷ đồng như: Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số I (Yên Viên–Ngọc Hồi) giai đoạn 1 gần 19.500 tỷ đồng; dự án Giáp Bát đến Ngọc Hồi 24.825 tỷ; dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai có tổng kinh phí trên 5.760 tỷ đồng và các dự án khác như Hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt đoạn Vinh-Sài Gòn, Hà Nội - Lào Cai, Đồng Đăng, Thái Nguyên...
Năm dự án do Cục Đường sắt làm chủ đầu tư sẽ được chuyển về Bộ GTVT gồm: Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh–Hà Đông và dự án Yên Viên–Cái Lân (2 dự án đang triển khai) và 3 dự án đang chuẩn bị đầu tư là Sài Gòn–Lộc Ninh, Biên Hòa–Vũng tàu và tuyến đường sắt và Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện.
Ban quản lý Các dự án đường sắt của Tổng công ty và Ban quản lý dự án Đường sắt thuộc Cục Đường sắt sẽ được hợp nhất để thành lập một ban quản lý trực thuộc Bộ.
Trả lời Tiền Phong, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, quyết định này nằm trong lộ trình tái cơ cấu Tổng Cty Đường sắt Việt Nam để Tổng công ty này tập trung cổ phần hoá và chú trọng vào nhiệm vụ khai thác và bảo trì hệ thống hạ tầng đường sắt. Ngoài ra, theo Thứ trưởng Đông, việc đưa dự án về Bộ quản lý sẽ tận dụng được kinh nghiệm quản lý các dự án ở cấp Bộ, thuận tiện trong làm việc với các đối tác nước ngoài. Đây cũng là cách để Bộ GTVT “chia lửa” cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Thời gian qua, sau một thời gian đốc thúc, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từng được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng ví như “Bộ Đường sắt” đã có những chuyển biến tích cực; đặc biệt là trong thái độ phục vụ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá Tổng Cty này vẫn còn những tồn tại như chậm trễ trong việc xây dựng quy chế hoạt động, chưa phân định rạch ròi chức năng nhiệm vụ giữa hội đồng thành viên và Ban giám đốc, chưa thực hiện đầy đủ quy chế dân chủ...
Quyết định rút các dự án lớn về bộ được Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đưa ra sau khi có thông tin và công an đang điều tra về nghi án nhận hối lộ 16 tỷ đồng của đối tác Nhật Bản tại dự án Đường sắt đô thị tuyến số 1 Hà Nội và việc đội giá hơn 300 triệu USD tại dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc và do doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu.
Theo Sỹ Lực