MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Việt Nam chi 3 tỷ USD cho du học mỗi năm

Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 110.000 học sinh, sinh viên du học tại 47 quốc gia với học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD cho một học sinh, sinh viên. Tức là, Việt Nam đang tốn khoảng 3 tỷ USD cho du học mỗi năm.

Theo báo cáo của Nhóm công tác Giáo dục và Đào tạo thuộc Diễn đàn doanh nghiệp thường niên (VBF) năm 2015, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới với sự hình thành của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này sẽ mang đến nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, báo cáo gần đây của Tổ chức Lao động quốc tế ( ILO ) cho thấy tỷ lệ năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 nằm trong những nước thấp nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Cụ thể thấp hơn 15 lần so với Singapore, 11 lần so với Nhật Bản, và thấp hơn so với Hàn Quốc 10 lần.

Ngoài ra, một báo cáo khác cho thấy, mặc dù có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây, năng suất lao động của Việt Nam vẫn tụt hậu so với các nước trong khu vực. Cơ hội cho Việt Nam là tăng cường các kỹ năng của lực lượng lao động để nhanh chóng nâng cao năng suất.

Nhóm công tác dẫn báo cáo của Cục Đào tạo với nước ngoài thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho thấy, số lượng học sinh, sinh viên Việt Nam ra nước ngoài học mỗi năm đều tăng với con số hiện tại là trên 110.000 học sinh, sinh viên tại 47 quốc gia với học phí từ 30.000 USD đến 40.000 USD mỗi năm cho một học sinh, sinh viên.

"Nói cách khác, Việt Nam đang “xuất khẩu” khoảng 3 tỷ USD mỗi năm để gửi con em mình ra nước ngoài học" - Nhóm công tác Giáo dục VBF cho biết.

Trong khi đó, theo Luật Đầu tư, giáo dục được khuyến khích đầu tư cao, các cam kết WTO và văn bản hướng dẫn khác cũng cho phép tỷ lệ sở hữu của nước ngoài trong lĩnh vực lên đến 100%. Tuy nhiên, theo điều 24 của Nghị định 73 ban hành năm 2012, cơ sở giáo dục nước ngoài có thể tiếp nhận học sinh Việt Nam nhưng số học sinh ở bậc tiểu học và trung học cơ sở không quá 10% tổng số học sinh của trường và ở bậc trung học phổ thông không quá 20%.

Do vậy, vấn đề mà các doanh nghiệp nước ngoài gặp phải là tỷ lệ học sinh Việt được phép học trong trường quốc tế lại tính toán dựa trên số lượng học sinh nước ngoài đăng ký học.

“Chúng ta thử làm một phép tính đơn giản, thì kết quả là chỉ 1 học sinh Việt Nam trong số 10 học sinh nước ngoài đã đăng ký được phép học trong một cơ sở giáo dục đầu tư nước ngoài. Nếu các cơ sở đầu tư nước ngoài không có đủ số lượng học sinh nước ngoài, học sinh Việt Nam không được phép đăng k{ học” – ông Fred Burke, Trưởng nhóm công tác Thương mại và Đầu tư thuộc VBF cho biết.

Ông Burke cũng cho rằng, quy định này đã gây khó khăn cho một số nhà đầu tư nước ngoài trong môi trường giáo dục ngoài các thành phố lớn, bởi có rất ít người nước ngoài sinh sống và làm việc ngoài Hà Nội và TP HCM. Hậu quả là đầu tư nước ngoài vào giáo dục tiểu học và trung học bị khép lại tại các tỉnh, thành phố khác.

Do thiếu số lượng học sinh nước ngoài nên việc đầu tư và duy trì được một hoạt động kinh doanh đầu tư vào giáo dục cho học sinh địa phương là không khả thi. Hậu quả là, đầu tư nước ngoài vào giáo dục tiểu học và trung học trên thực tế bị khép lại tại các thành phố cấp hai của Việt Nam.

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi khuyến nghị rằng chính phủ Việt Nam nên xem xét lại hạn chế tỷ lệ học sinh Việt Nam học tại các trường quốc tế theo quy định tại Điều 24 của Nghị định số 73. Một chính sách linh hoạt hơn sẽ phù hợp tại các địa phương có số học sinh nước ngoài ít, hoặc có thể áp dụng các quy định về kiểm định chương trình học khác nhau” – Nhóm công tác kiến nghị.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên