Việt Nam mời DN Nhật Bản đầu tư vào 6 ngành công nghiệp mũi nhọn
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, việc cùng tham gia TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam và Nhật Bản tận dụng hơn nữa những lợi thế của nhau để hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao…
- 19-05-2015Nhật Bản đã “rót” 37,5 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam
- 31-03-2015WSJ: Trung Quốc và Nhật Bản “cạnh tranh” viện trợ cho Việt Nam
- 31-03-2015Đại sứ Nhật Bản: 'Chúng tôi chưa có kế hoạch cắt giảm ODA tại Việt Nam"
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản 2015 ngày 14/10, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các DN Nhật Bản trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ các Nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn ASEAN 6 và ASEAN 4.
Các giải pháp đó đã và đang phát huy tác dụng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao từ năm 2012 đến nay, từ 5,1% lên đến 6,5%; sản xuất công nghiệp được phục hồi, xuất khẩu được duy trì và nền kinh tế ngày càng tỏ ra thích nghi tốt hơn với các cú sốc bên ngoài như giá dầu giảm mạnh, kinh tế Trung Quốc đi xuống, phá giá đồng Nhân dân tệ…
Trong thời gian qua, Việt Nam đã hoàn thành ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á Âu, hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam – EU và sắp tới là TPP, AEC... Đặc biệt, việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ là cơ hội kinh doanh đầu tư mới cho cả hai nước với thị trường 600 triệu dân và tổng GDP hơn 1.850 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết, cùng với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, Việt Nam đang chú trọng nâng cao chất lượng đầu tư thông qua việc tăng cường thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án lớn, công nghệ cao, kết cấu hạ tầng, tạo bước chuyển biến trong tái cơ cấu nền kinh tế.
Ngoài ra, để tạo sự đồng bộ và phát triển bền vững, chuẩn bị tốt cho hội nhập, Việt Nam còn chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách cạnh tranh nhằm thúc đẩy khối doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp.
“Ngày 5/10/2015, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã kết thúc đàm phán và dự kiến sẽ được Quốc hội các nước thông qua vào đầu năm 2016. Hiệp định TPP được ký kết sẽ hình thành một khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Do vậy, việc cùng tham gia TPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam và Nhật Bản tận dụng hơn nữa những lợi thế của nhau để hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao…
Trong những năm qua, Nhật Bản là một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam với hơn 37,7 tỷ USD vốn FDI và 2.661 dự án còn hiệu lực, trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thay đổi cơ cấu nền kinh tế như công nghiệp chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, xây dựng…
Kim ngạch thương mại song phương giữa 2 nước tăng theo từng năm. Năm 2014 đạt trên 27,6 tỷ USD, 8 tháng đầu năm 2015 đạt 19 tỷ USD.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ 2 nước đã ban hành chiến lược công nghiệp hóa trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Kế hoạch hành động cho 6 ngành công nghiệp mũi nhọn bao gồm điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản; đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô.
“Trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là 6 ngành công nghiệp mũi nhọn; cũng như đầu tư vào các lĩnh vực khác như: nông nghiệp, giáo dục, hạ tầng giao thông, môi trường, y tế, công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, hình thức đầu tư PPP và các hình thức khác Nhật Bản có thế mạnh phù hợp với nhu cầu và trình độ phát triển của Việt Nam” – Phó Thủ tướng cho biết.