MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế chọn 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2014

Việt Nam đang chứng kiến một năm 2014 đi qua với rất nhiều sự kiện. Trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, bên cạnh những cơ hội được mở ra là những thách thức rất lớn.

Sáng ngày 27/12, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2014 – Triển vọng 2015” tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Văn Minh – Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế cho biết, Việt Nam đang chứng kiến một năm 2014 đi qua với rất nhiều sự kiện. Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, bên cạnh những cơ hội được mở ra là những thách thức rất lớn.

Theo đó, Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế đánh giá 10 sự kiện kinh tế trong nước nổi bật năm 2014 bao gồm:

1. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động, gặp nhiều khó khăn, nhưng nhìn chung tình hình kinh tế Việt Nam khá ổn định. Theo báo cáo mới nhất, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 5,95%; vượt so với chỉ tiêu 5,8% đã đề ra trước đó.

2. Tái cơ cấu nền kinh tế đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng tốc độ còn chậm

Năm 2014 được đánh giá là năm Việt Nam triển khai tích cực đề án tái cơ cấu nền kinh tế. Qua các báo cáo của Chính phủ và Quốc hội thì việc tái cơ cấu nền kinh tế mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng song tốc độ còn chậm. Trong đó, điểm sáng của tái cơ cấu nền kinh tế trong năm qua là tái cơ cấu hệ thống tài chính. Còn lại các vấn đề như tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước … còn chậm.

3. Nông nghiệp khởi sắc

Trong các ngành thực hiện tái cơ cấu năm 2014, ngành nông nghiệp được đánh giá tái cơ cấu khá thành công. Lần đầu tiên ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được những con số ấn tượng như: Gạo Việt Nam có những lô hàng xuất khẩu đắt hơn gạo của Thái Lan.

Bên cạnh đó, giá trị gia tăng trên sản phẩm nông nghiệp đã tăng, tốc độ tăng của sản lượng chậm hơn so với tốc độ tăng của giá trị gia tăng. Rõ ràng đã có sự chuyển dịch về chất của ngành nông nghiệp; tái cấu trúc cây trồng, vật nuôi, đưa những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và giúp cho chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới …

4. Giá xăng dầu giảm, bắt nhịp với thế giới

Trong năm 2014, giá dầu Việt Nam đã giảm tới 11 lần. Điều đáng nói ở đây là Thông tư mới đã giúp Chính phủ điều hành nhịp độ giảm giá tương đồng với sự biến đổi của thị trường thế giới. Việt Nam điều hành thị trường giá cả linh hoạt hơn, giảm độ trễ, chủ động bắt kịp những thay đổi của thị trường thế giới. Đây là một kết quả nổi bật mà trước đây chúng ta chưa làm được.

5. Lãi suất ngân hàng giảm

Thời gian qua, một điều khá dễ dàng nhận thấy là lãi suất ngân hàng tại Việt Nam đang giảm và tạo cơ hội cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn một yếu tố chưa khơi thông được là tín dụng, việc cho vay doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.

6. Kết thúc đàm phán FTA với Hàn Quốc và Liên minh thuế quan

Việt Nam đã kết thúc đàm phán FTA với một số nước, gần đây nhất là kết thúc đàm phán với Liên minh Hải quan và Hàn Quốc. Tuy nhiên, vấn đề còn tồn tại ở đây là doanh nghiệp Việt Nam còn rất mơ hồ với những cơ hội, lợi ích mang lại từ các hiệp định.

7. Phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền

Năm 2014, sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan vào thềm lục địa của Việt Nam đã giúp chúng ta định hình được tầm quan trọng của kinh tế biển. Từ đó, Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã có những chính sách ưu tiên đầu tư, khuyến khích phát triển kinh tế biển. 

8. Tiếp tục xuất siêu

Năm 2014 là năm thứ 3 Việt Nam tiếp tục xuất siêu. Trước đó, Việt Nam luôn ở vị thế xuất siêu trong giao thương hàng hóa với các nước trên thế giới. Việc xuất siêu liên tục trong vài năm trở lại đây là một tín hiệu tốt, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, xuất siêu của Việt Nam hiện nay vẫn phụ thuộc chính vào khối FDI và một số doanh nghiệp lớn như Samsung.

9. Nợ công chạm ngưỡng giới hạn

Theo nhiều báo cáo, mức nợ công của Việt Nam đã đạt gần 60% GDP. Điều này cho thấy mức độ chi tiêu đang tăng cao và nếu như không có sự kiểm soát chặt chẽ, Việt Nam sẽ rơi vào vòng xoáy nợ công lớn.

10. Làn sóng đầu tư mới

Trong bối cảnh hiện tại, rất nhiều quốc gia quay trở lại và xoay trục sang châu Á, trong đó, Việt Nam là một cuộc gia đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do và đang tích cực thu hút đầu tư. Đây là cơ hội lớn cho Việt Nam, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế năm 2015.

>>>5 điểm sáng kinh tế Việt Nam

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên