Việt Nam áp cơ chế 'mấp mô': Người Việt thiệt đủ đường
Kinh tế thị trường, doanh nghiệp tư nhân giữ vai trò động lực phát triển tuy nhiên những chính sách thời gian qua lại không nhằm hướng tới điều này.
- 05-05-2014Làm tư nhân khó vay gói 30.000 tỷ
- 29-01-2014“Đổi mới thể chế giúp doanh nghiệp phát huy tính chủ động”
- 03-12-2013“Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP”
Chính vì vậy, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho biết, cần phải có thể chế, thái độ “bằng phẳng” giữa các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là chính sách tiếp cận vốn, chính sách ưu đãi về thuế.
Cần thể chế, thái độ "bằng phẳng"
Theo số liệu thống kê, doanh nghiệp tư nhân đóng góp 8,5% vào GDP năm 2002, đến năm 2012 là 11,1%; mặc dù số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nhiều lên nhưng quy mô của doanh nghiệp lại nhỏ đi, cả về lao động và vốn bình quân.
Bình luận về những thông tin trên, ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết, kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam bị tác động mạnh nhất. Song đóng góp GDP của các doanh nghiệp tư nhân vẫn tăng do doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất, hệ thống quản lý không cồng kềnh, sử dụng vốn là vốn của cá nhân, vốn cổ phần nên các doanh nghiệp quản lý sử dụng rất chặt chẽ.
Khu vực kinh tế tư nhân được đánh giá là động lực phát triển của một nền kinh tế thị trường tuy nhiên, nhìn vào thực trạng ở Việt Nam, khối doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi về vốn và chính sách, khối doanh nghiệp nước ngoài FDI được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiêp, thuế đất... ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện đang thiếu 3 điều kiện cơ bản.
Đó là sự bình đẳng chưa có hoàn toàn, nguồn vốn đặc biệt là vốn dài hạn không được ưu đãi, tiếp đến là công nghệ lạc hậu, không được trang bị như các doanh nghiệp nhà nước; trình độ quản lý, lao động chưa được đào tạo bàn bản mà chỉ học truyền tay, truyền miệng.
Các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn đặc biệt là nguồn vốn dài hạn |
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho biết, khu vực doanh nghiệp tư nhân nói riêng, khu vực ngoài Nhà nước nói chung không những không được ưu đãi gì về vốn mà còn phải vay ngân hàng với lãi suất cao, nhất là trong giai đoạn từ 2010 – 2012, có những lúc chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay lên đến hơn 10 điểm %.
Ngoài ra qua tốc độ tăng trưởng của giá trị sản xuất và tốc độ tăng trưởng của giá trị gia tăng có thể thấy hàm lượng giá trị gia tăng của khu vực FDI và khu vực kinh tế Nhà nước thấp hơn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước khá nhiều, đăc biết khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài mặc dù 2 khu vực này được đủ mọi loại ưu đãi của chính sách.
“Tính toán hiệu quả đầu tư từ hệ số ICOR cũng cho thấy khu vực kinh tế ngoài Nhà nước là khu vực có hiệu quả đầu tư cao nhất nhưng thật trớ trêu khu vực này lại là khu vực kinh tế khó tiếp cận nguồn vốn nhất”, chuyên gia Bùi Trinh nói.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng cho biết, các doanh nghiệp tư nhân từ nhỏ và vừa nhẽ ra phải phát triển thành vừa và lớn thì nay đã trở thành siêu nhỏ. Nền kinh tế dựa vào gia công tuy không sai nhưng sẽ không phát triển được.
Đồng thời chuyên gia kinh tế Bùi Trinh kiến nghị, doanh nghiệp tư nhân cần một thể chế và thái độ “bằng phẳng” với các khu vực kinh tế khác để phát triển.
Nền kinh tế Việt Nam sẽ yếu dần?
Thái độ đối đãi không "bằng phẳng" giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nhà nước nếu không được khắc phục thì theo cảnh báo của ông Cao Sỹ Kiêm, nền kinh tế Việt Nam sẽ yếu dần và sẽ phải phụ thuộc vào nước ngoài.
Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế như mục tiêu đang đề ra là phải trả nền kinh tế về tay tư nhân, nhà nước chỉ tham gia vào những lĩnh vực tư nhân không thể tham gia, những tồn tại nêu trên sẽ khiến cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gặp nhiều trở ngại."Phụ thuộc là vì các doanh nghiệp trong nước sản xuất giá thành cao, chi phí cao nhưng chất lượng kém, phải nhập nguyên liệu giá cao từ nước ngoài", ông Cao Sỹ Kiêm nói.
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng dẫn kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia kinh tế thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho thấy, trong bốn động cơ tăng trưởng kinh tế Việt Nam thì ba động cơ “nội” gồm khu vực kinh tế nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và nông nghiệp đang trục trặc chỉ có một động cơ “ngoại” - khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI đang chạy tốt.
"Điều này có thể có lợi cho chỉ tiêu ít ý nghĩa là tăng trưởng GDP, nhưng nó làm cho tốc độ tăng trưởng của tổng thu nhập Quốc gia (GNI) ngày càng thấp hơn tăng trưởng GDP và góp phần làm mức độ để dành (saving) của trong nước ngày càng giảm và nếu loại trừ kiều hối thì tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng trên dưới 20% GDP.
Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế bắt đầu chậm lại và lạm phát luôn bị “buộc tội” là rào cản của tăng trưởng kinh tế", chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nói.
>>>Nguyên Thống đốc Cao Sỹ Kiêm: DN tư nhân mong nhất là được bình đẳng
Theo Nguyên Thảo